Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tạo sức mạnh tổng hợp để đối phó thách thức chung
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ hợp tác, phát triển của châu Á-Thái Bình Dương. Về địa chính trị, châu Á-Thái Bình Dương có 3 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Về tương lai phát triển, châu Á-Thái Bình Dương tập trung nhiều nước có công nghệ cao và trình độ quản lý tiên tiến với số lao động hùng hậu và tài nguyên dồi dào. Đây là những nhân tố quyết định để châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trong những trung tâm phát triển của thế giới. Với vị thế chiến lược và tiềm năng to lớn đó, cùng với hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước vận hội lớn để đóng góp có tính chất quyết định vào sự phát triển của thế giới trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, châu Á-Thái Bình Dương chưa có sự ổn định một cách đầy đủ, cũng chưa có sự ổn định một cách bền vững.
Sự tăng cường hiện diện quân sự và tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia có thể đưa khu vực đến những hệ lụy mới mà chạy đua vũ trang là một ví dụ. Mặt khác, quy mô và tính chất phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng tăng. Không một nước nào có thể tự mình giải quyết được các thách thức ấy. Vì vậy, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đối phó với những thách thức chung đang trở nên cần thiết hơn lúc nào hết. Đó cũng là một trong những biện pháp quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển, đáp ứng nguyện vọng của gần 4 tỷ người trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng điều dễ nhận thấy là xu thế hợp tác, trong đó có hợp tác về quốc phòng tại châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra sôi động hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Nếu cách đây vài thập kỷ, hợp tác quốc phòng chỉ giới hạn ở một số nước, chủ yếu là song phương, hoặc trên một số lĩnh vực, thì ngày nay, hợp tác quốc phòng trong khu vực đã được mở rộng theo hướng đa phương, bao gồm nhiều nước trên nhiều lĩnh vực. Ngay cả những nước đã từng mâu thuẫn, đối đầu với nhau, cũng đang hướng đến hợp tác quốc phòng ngày càng rõ hơn. Nhờ xu hướng hợp tác đó, các nước đã đạt được những bước tiến trong việc xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, và đó là một trong những nhân tố quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ xung đột, góp phần bảo đảm khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hơn ba thập kỷ qua về cơ bản là hòa bình và ổn định.
Trong hợp tác quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương, các nước Đông Nam Á đã đạt được một số nhận thức chung, quyết tâm, nỗ lực và hợp tác. Để duy trì hòa bình và an ninh khu vực, các quốc gia ASEAN mong muốn có một cơ chế hợp tác đủ mạnh làm công cụ. Vì thế, năm 2006, ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần đầu tiên tại Malaixia. Sau khi được thiết lập, ADMM đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong nỗ lực xây dựng lòng tin, củng cố đoàn kết và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, không dừng lại ở hợp tác quốc phòng trong phạm vi ASEAN, ý tưởng về một một cấu trúc an ninh mới, mở và dung nạp đã được ASEAN và 8 nước đối tác hoàn tất bằng việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2010. Đây là cơ chế tham vấn và hợp tác cao nhất về quốc phòng, an ninh giữa ASEAN với các nước đối tác nhằm tăng cường đối thoại chiến lược cấp Bộ trưởng Quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để đối phó với các thách thức. Mặc dù mới chỉ ra đời được một thời gian ngắn, song nhiều cam kết của ADMM+ đã được biểu hiện sinh động trên thực tế bằng các hình thức thiết thực, cụ thể, phù hợp yêu cầu chung của khu vực cũng như phù hợp với khả năng của mỗi nước thành viên. Ngoài các cơ chế về hợp tác quốc phòng, ASEAN còn chủ động đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) và tham gia tích cực vào các diễn đàn an ninh khu vực, đặc biệt là Đối thoại Shangri-La.
Để thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng các nước cần tiếp tục xây dựng lòng tin và cách tốt nhất để xây dựng lòng tin vẫn là hành động. Hãy bắt đầu hợp tác từng mặt, rồi từ kết quả hợp tác lại củng cố lòng tin để đi đến hợp tác sâu rộng hơn, trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực hơn. Muốn vậy, các nước phải thực tâm hợp tác, đặc biệt là các cường quốc, phải thể hiện rõ quyết tâm, có đầu tư thích đáng, thực hiện cam kết đi đôi với hành động, lấy hành động trên thực tế để chứng minh cho trách nhiệm của mình. Trong quá trình hợp tác, cần lắng nghe dư luận, quyết định trên cơ sở luật pháp quốc tế, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên, thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau, cũng như tôn trọng lợi ích chung của khu vực. Làm được như vậy sẽ không tạo ra sự khu biệt và không đơn phương giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và quốc tế.
ADMM+ đã thống nhất đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác, đó là: hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; quân y; an ninh biển; gìn giữ hòa bình; chống khủng bố. Các nội dung hợp tác này đã được ADMM+ từng bước triển khai thông qua nhiều hình thức phong phú như hội thảo, diễn tập sa bàn, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm kết hợp các nguồn lực. Và giờ là thời điểm phù hợp để ADMM+ đi đến các hành động cụ thể và thiết thực hơn. Theo đó, với tư cách là đồng chủ trì nhóm Công tác chuyên gia của ADMM+ về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa với Trung Quốc, Việt Nam sẽ cử lực lượng quân đội tham gia diễn tập trên thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y vào tháng 6 này tại Brunây. Đây là lần đầu tiên ADMM+ phối hợp hành động trên thực địa và cũng là lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng quân đội ra nước ngoài tham gia các hoạt động đa phương.
Ngoài 5 lĩnh vực hợp tác trên, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mới là thành lập Nhóm chuyên gia của ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo. Đây là nội dung hợp tác thứ 6 trong ADMM+. Sáng kiến của Việt Nam đã được ADMM-7 đồng thuận, nhất trí thông qua tại tại Brunây vào tháng 5 vừa qua. Ấn Độ đã cam kết đồng chủ trì với Việt Nam triển khai sáng kiến, sau khi sáng kiến này được ADMM+ lần thứ 2 thông qua tại Brunei vào tháng 8 tới. Việt Nam mong muốn các nước tăng cường hợp tác về hoạt động của hải quân, cảnh sát biển, biên phòng; thiết lập đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN. Trên Biển Đông, các nước ASEAN có lực lượng đóng quân trên Quần đảo Trường Sa nên giao lưu văn hóa, thể thao. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN có thể xem xét ký cam kết không sử dụng vũ lực trước để tăng cường tin cậy trong ASEAN, từ đó rút kinh nghiệm mở rộng với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia bên bờ Thái Bình Dương và nằm ở hạ nguồn sông Mekong; là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt, nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ còn phải chịu nhiều hậu quả rất nặng nề do chiến tranh để lại. Vì vậy, Việt Nam không khỏi lo ngại trước các thách thức đang diễn ra ngày càng phức tạp trong khu vực. Đứng trước các thách thức chung đó, cần có sự nhận thức đầy đủ và hành động thống nhất của tất cả các nước.
Với nhận thức như vậy, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực. Cùng với đó, Việt Nam còn chủ động đề xuất các giải pháp trong giải quyết các tranh chấp, cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ việc sớm có Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc; đồng thời luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên có liên quan để tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Việc Việt Nam từng bước hiện đại hóa quân đội không chỉ phục vụ nhu cầu sẵn sàng tự vệ chính đáng, mà còn là để nâng cao khả năng khắc phục hậu quả chiến tranh, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước.
Cùng với nỗ lực hợp tác khu vực, Việt Nam cũng chủ động đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Là quốc gia ven biển, Việt Nam nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực. Thời gian qua, các lực lượng của Việt Nam đã cứu được rất nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, trong đó có nhiều ngư dân nước ngoài. Đặc biệt, tháng 11/2012, Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ được một vụ cướp biển gồm 11 tên có vũ trang trên Biển Đông, điều đó khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam bảo đảm tự do, an ninh, an toàn trên đường hàng hải quốc tế nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước LHQ về Luật biển 1982, đóng góp cho hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực.
Việt Nam đề nghị các bên có liên quan đến Biển Đông tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại.
Những việc mà Việt Nam đã tham gia và đóng góp cho khu vực được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam sẽ tiếp tục hành động theo phương hướng đó để giảm thiểu và hóa giải các thách thức. Việt Nam cũng như tất cả các nước trong khu vực còn rất nhiều việc phải làm. Với thông điệp “xây dựng lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu khai mạc, Việt Nam tin tưởng rằng các nước sẽ có bước thúc đẩy hợp tác quốc phòng thực chất hơn trên tinh thần hiểu biết, bình đẳng, giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau. Đó là cách tốt nhất để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nguồn TTXVN