Thứ Tư | 23/07/2014 14:39

Thương mại Việt - Trung 6 tháng đầu năm tăng trưởng bình quân 4%/tháng

Sáng 22/7, Ban chỉ đạo Thương mại Biên giới tuyến biên giới Việt –Trung họp giao ban nhằm đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2014.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, thời gian vừa qua, tình hình Việt Nam và Trung Quốc có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, thương mại qua biên giới Việt - Trung cơ bản vẫn duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng. Quy mô của thương mại qua biên giới Việt - Trung trong thời gian qua chiếm tỷ trọng trung bình trên 24% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung cùng giai đoạn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng, hoạt động thương mại qua biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu nông sản qua biên giới còn nhiều vướng mắc, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng bến bãi phù hợp để thúc đẩy phát triển thương mại vùng biên, v.v...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo, tổng giá trị xuất nhập khẩu trực tiếp đạt 2,6 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 7%/tháng. Cán cân thương mại của xuất nhập khẩu trực tiếp trong thương mại biên giới luôn xuất siêu qua các tháng; trao đổi của cư dân biên giới với quy mô kim ngạch nhỏ nhất trong các phương thức thương mại qua biên giới, tăng trưởng cũng không đều qua các tháng nhưng so với cùng kỳ năm 2013 tăng 27%.

Các phương thức khác như kinh doanh tạm nhập – tái xuất tăng trưởng không đều, tạm nhập ít nhưng tái xuất nhiều, kim ngạch tạm nhập chỉ chiếm khoảng 23,76% kim ngạch tái xuất và giảm 29% so với cùng kỳ năm 2013; kinh doanh kho ngoại quan, chuyển khẩu cũng có tình trạng tăng trưởng không đều, tháng thấp tháng cao nhưng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng nông lâm thủy sản như đường, gạo, cao su, sắn và sản phẩm của sắn, hoa quả tươi các loại (dưa hấu, vải quả, chuối, thanh long, xoài, v.v…).

Còn hàng hóa nhập khẩu thì cũng gồm hai nhóm chính là nhóm hàng hóa là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất như phân bón các loại, nguyên liệu lá thuốc lá, than cốc, hóa chất…, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện năng.

Quy mô xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa lớn nhất thuộc về cửa khẩu quốc tế chiếm 57%, thứ hai là cửa khẩu phụ biên giới chiếm 17%, thứ ba là điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu chiếm 12%.

Chính sách về thương mại biên giới chưa được hoàn thiện

Hiện nay, thương mại biên giới Việt – Trung vẫn còn tồn tại một số vấn đề như chính sách về thương mại biên giới chưa được hoàn thiện có hệ thống đã ảnh hưởng đến việc quản lý và điều hành thương mại biên giới, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Sự khác biệt về chính sách và biện pháp quản lý giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều lúc gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn bị phía bên kia lợi dụng, doanh nghiệp bị động.

Tại một số nơi trên biên giới, hàng hóa hợp pháp xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ (hình thức chợ biên giới theo quan niệm của Trung Quốc), nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để nhập vào theo hình thức chợ biên giới, nhằm lợi dụng chính sách ưu đãi 8.000 Nhân dân tệ/người/ngày. Cách làm này gây khó khăn, chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Tất cả các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới bên phía ta đều được bố trí đầy đủ lực lượng chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, bên phía Trung Quốc chỉ coi các hoạt động này là hoạt động của chợ biên giới, hoạt động mua bán, trao đổi cư dân biên giới nên thường không có lực lượng chức năng quản lý hoặc chỉ có lực lượng biên phòng làm nhiệm vụ giám sát.

Do vậy, trong một số trường hợp khi thấy tình hình hoạt động quá sôi động thì Chính phủ Trung ương Trung Quốc lại tăng cường kiểm tra, giám sát khiến cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn.

Một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tính mùa vụ như trái cây tươi (dưa hấu tươi) còn xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức đi chợ, tức doanh nghiệp bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở lên biên giới khi vào vụ, khiến khả năng thông quan của cửa khẩu nhất thời không đáp ứng được, bị doanh nghiệp mua bên Trung Quốc lợi dụng ép giá, gây nên tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, làm thiệt hại về kinh tế, khiến dư luận bức xúc, gây áp lực cho các cơ quan quản lý.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại

Sau khi nghe báo cáo kết quả hoạt động và đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Ban chỉ đạo Thương mại biên giới tuyến biên giới Việt - Trung đã đưa ra kế hoạch và phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2014.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính về hoạt động TMBG, hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt như quyết định thay thế Quyết định 254/2006/QĐ-TTg và Quyết định 139/2009/QĐ-TTg. Đồng thời xây dựng các phương án xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua thương mại biên giới một số mặt hàng nông sản theo hướng linh hoạt và tạo điều kiện cho xuất khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo hiệp định thay thế “Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” được ký năm 1998.

Tăng cường phối hợp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực biên giới Việt - Trung, bao gồm các hội chợ thương mại – du lịch quốc tế định kỳ, luân phiên đã có tại Lào Cai – Hà Khẩu, Thanh Thủy – Thiên Bảo, Móng Cái – Đông Hưng, Đồng Đăng - Bằng Tường và xây dựng các chương trình hội chợ mới tại các điểm Tà Lùng – Thủy Khẩu, A Pa Chải – Long Phú, Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà.

Tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc với các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp với Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và giải quyết những vấn đề còn chưa rõ hoặc vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho thương mại biên giới. Đặc biệt là tạo điều kiện cho các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khi vào vụ thu hoạch.

Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin về thương mại biên giới với phía Trung Quốc về tình hình thị trường, doanh nghiệp, cơ chế chính sách quản lý, cung cầu hàng hóa, định hướng phát triển thương mại biên giới, thông quan, chất lượng, kiểm dịch, thanh toán, cửa khẩu, v.v…

Phối hợp với phía Trung Quốc nghiên cứu, rà soát, xây dựng quy hoạch các cặp chợ biên giới trên tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, để tạo cơ hội thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống các cặp chợ này và tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện