Diễn biến hoạt động thương mại những tháng qua có gì cần lưu ý, thưa ông?
Tình hình thương mại, cả nội - ngoại thương, vẫn duy trì được xu hướng chung: tăng đều nhưng thấp do sức mua yếu, đã hình thành từ 2 năm qua.
Về thương mại quốc tế, sản lượng hàng xuất khẩu vẫn tăng đều so với cùng kỳ năm trước, 2 năm liên tiếp xuất siêu và 2 tháng đầu năm cũng xuất siêu. Hiện tượng xuất khẩu tăng nhiều vẫn ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xuất siêu cũng là ở khối DN FDI, còn khối DN trong nước đang nhập siêu. Nhưng xét về giá, nhiều mặt hàng chủ lực như dầu thô, nông lâm sản, gạo, cà phê giảm, còn các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, điện thoại vẫn tăng so với cùng kỳ.
Về thương mại trong nước 2 tháng qua cũng vẫn duy trì xu hướng của 2 năm trước là còn khó khăn. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xuất khẩu liên tục đối mặt với nhiều thách thức gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh. Hoạt động bán lẻ từ năm 2011 đến nay nhìn chung chậm lại trên tất cả các kênh phân phối truyền thống cũng như siêu thị. Tình hình này thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy có tăng nhưng ở mức rất thấp, chỉ tăng 11 -12% so với cùng kỳ trong khi những năm trước đó mức tăng thường hơn 20%.
Cần nhận thức rằng, tình hình trên của thương mại trong hai năm qua diễn ra trong bối cảnh Chính phủ thực hiện chính sách ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát với biện pháp chủ động kiểm soát tăng trưởng lượng tiền tệ và chi tiêu công trong bối cảnh tổng cầu thế giới thấp. Chính sách chủ động kiểm soát cung tiền cũng có những tác động không mong muốn là đã hạn chế nhất định tới sức mua và tổng cầu.
Song, diễn biến trên cũng đã có những thay đổi vì từ nửa cuối năm 2013 và 2 tháng qua, quan điểm điều hành chính sách nói chung và quan trọng nhất là chính sách tiền tệ và tài khóa cũng đã có những chuyển hướng hỗ trợ tổng cầu và nới lỏng dần; hệ thống tài chính tiền tệ có nhiều cải thiện đáng kể về khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Mặc dù sức mua tăng nhưng vẫn chưa đủ mạnh tạo lực “cầu” mới cho sản xuất
Vậy chính sách tiền tệ đã có tác động gì đến tình hình thương mại?
Quan trọng nhất là thông điệp chính sách rất rõ ràng: tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện các chính sách hỗ trợ tổng cầu, tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Với những chính sách đó, một mặt kinh tế đã có nhiều dấu hiệu cải thiện, tăng trưởng đã phục hồi. Nhịp độ DN thành lập mới bắt đầu tăng lại, sau khi liên tục giảm từ 2009-2012.
Đặc biệt, hệ thống tài chính – tiền tệ được cải thiện đáng kể, biểu hiện rõ nét là mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Nợ xấu bước đầu được xử lý. Tỷ giá hầu như ổn định trong 2 năm qua. Thị trường chứng khoán bắt đầu đi lên. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục 30 tỷ USD. Thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ làm giá. Thống đốc NHNN cũng đã có thông điệp về định hướng ưu tiên tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên và nông nghiệp nông thôn.
Cùng những tiền đề môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và với định hướng chính sách rõ ràng như vậy, DN đã yên tâm đầu tư, sản xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu, duy trì nhịp độ xuất khẩu, không còn nỗi lo rủi ro tài chính vì đã biết rõ định hướng ổn định tỷ giá và tín dụng sẽ không “nóng” đột ngột như trước đây. Bên cạnh đó, nợ xấu được xử lý giúp DN có lại được điều kiện tiếp cận tín dụng, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất. Sản xuất phục hồi thì cầu sản xuất tăng lên, thu nhập tăng lên sẽ giúp tăng sức mua trong nước. Hy vọng, kinh tế thế giới nếu phục hồi thì xuất khẩu cũng sẽ tăng. Như vậy, triển vọng thương mại trong nước và thương mại quốc tế có dấu hiệu của niềm tin mới.
Tuy nhiên, điều rất đáng lưu ý là tuy có triển vọng cải thiện về môi trường sản xuất - kinh doanh, nhưng sức mua vẫn rất yếu nên vẫn ảnh hưởng khá lớn đến thương mại trong nước.
Theo ông, cần làm gì đẩy được sức mua trong khi chính sách chỉ được “nới lỏng đôi chút”?
Để đẩy được sức mua của dân cư, sức mua nền kinh tế, phải tăng tổng cầu, tăng thu nhập dân cư và tăng sức mua của Chính phủ bằng tăng sản xuất kinh doanh và thực hiện các chính sách kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Nhưng như tôi đã nói, năm 2014 có thể sẽ cải thiện hơn, song chỉ là tạm thời, chưa phải thay đổi căn bản. Ổn định vĩ mô vẫn cần thời gian dài hơn để củng cố cho vững chắc, nên các chính sách kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ có nới lỏng cũng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Để giải quyết vấn đề mất cân đối trên bền vững hơn, căn cơ hơn thì phải thực sự mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, tức là tăng trưởng trên nền tảng các yếu tố đổi mới công nghệ, năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả.
Điều cần nhấn mạnh là tạo môi trường ổn định để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng. Họ chỉ mạnh dạn chi tiêu nếu có niềm tin nền kinh tế sẽ khá hơn, thu nhập sẽ ổn định và được cải thiện trong tương lai. Người đầu tư, người sản xuất cũng chỉ tăng đầu tư, tăng sản xuất khi có niềm tin khả năng thị trường tiêu thụ sản phẩm phục hồi và ít rủi ro có tính bất định.
Xin cảm ơn ông?