Thương lượng tăng lương tối thiểu 2016 thất bại
Cuộc họp kín của Hội đồng tiền lương quốc gia kết thúc lúc 16h ngày 5/8 sau 1 ngày đàm phán căng thẳng song không đạt được đồng thuận về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.
Cả phía đại diện cho giới chủ là Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lẫn phía đại diện cho người lao động (NLĐ) là Tổng LĐLĐ Việt Nam đều bày tỏ sự không hài lòng về phiên thương lượng ngày 5-8.
Các thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm đại diện VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam và phía Bộ LĐ-TB-XH đều vội vã rời khỏi phòng họp tại trụ sở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). "Hội đồng sẽ họp lại sau 15 ngày nữa để tiếp tục thương lượng về việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016" -ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết cuộc họp hôm nay đã thất bại vì các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Việc thương lượng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thất bại là bởi mức đề xuất của hai bên là Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI chênh nhau quá lớn.
Được biết, tại cuộc họp sáng cùng ngày 5-8, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu từ 350-550 ngàn đồng (tương ứng với vùng 4 và vùng 1), tương ứng với mức tăng khoảng 16% so với năm 2015. Tuy nhiên, phía VCCI chỉ đề xuất tăng ở mức 7% , tức là tăng từ 150-200.000 đồng.
Trong phiên họp chiều 5-8 của Hội đồng tiền lương quốc gia, cuộc thương lượng vẫn diễn ra rất gay gắt. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng năm nay, kinh tế khá hơn, tăng trưởng chung của nền kinh tế khá hơn năm 2015, nên không thể nói DN khó khăn hơn. "Ít nhất tôi cho rằng mức tăng của năm 2016 phải bằng hoặc nhỉnh hơn so với mức tăng của 2015 mới là hợp lý. Không thể phú quý giật lùi được. Điện tăng, nước tăng, tiền nhà trọ tăng, đời sống của NLĐ rất khó khăn" - ông Mai Đức Chính nói.
Tại cuộc thương lượng buổi chiều 5-8, phía VCCI đã phải điều chỉnh mức đề xuất tăng lương lên khoảng 11%, tức là tăng khoảng 250.000-300.000 đồng, so với mức đề xuất tăng gần 7% hồi buổi sáng.
Tuy nhiên, đề xuất này của VCCI đã không nhận được sự đồng thuận của các thành viên đến từ Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Trả lời báo chí sau cuộc họp, Thứ trưởng hạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết suốt một ngày tranh luận nhưng không đi đến thống nhất nên đã phải tạm dừng cuộc họp để họp lại sau 15 ngày nữa. "Bản thân tôi là chủ tịch hội đồng, cố gắng điều hành để các bên đi đến gần hơn với nhau về quan điểm và con số để có thể bỏ phiếu thông qua, tuy nhiên việc này đã không thể xảy ra hôm nay. Và cuộc họp lần sau cũng chưa biết có thểthông qua hay không" - ông Huân nói.
Đánh gía về mức đề xuất của hai bên, ông Phạm Minh Huân cho rằng mức đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng hoàn toàn toàn hợp lý. "Nhưng phía VCCI cũng cho rằng DN cũng đang có rất nhiều áp lực trong bối cảnh cạnh tranh, tăng các chi phí đầu vào.." - ông Huân nói.. Về quan điểm cá nhân, ông Huân cho biết mức đề xuất phải trên 10% mới hợp lý.
Ông Huân nhận định cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia dừng lại cũng là hợp lý. "Nếu chúng ta trình Thủ tướng một con số mà giữa các bên chưa có được sự đồng thuận, thì sau này sẽ có rất nhiều ý kiến không hay. Vì vậy dừng lại để bàn thêm để tìm được tiếng nói chung là hợp lý" - ông Huân nói.
Ông Huân cũng cho biết nếu qua nhiều lần thương lượng, bỏ phiếu mà không có kết quả thì Chủ tịch hội đồng sẽ quyết định, và quyết định này sẽ được dùng để trình Chính phủ.
Nguồn Người lao động