Thương hiệu gạo Việt: Đừng chọn cái người ta bỏ
Lựa chọn này, ngay lập tức đã nhận được sự phản đối gay gắt của giới chuyên gia, DN và thậm chí cả cơ quản lý nhà nước.
Nhìn ở góc độ DN
Về phía DN, trên thực tế, trong thời gian qua đã có một vài DNXK gạo tại khu vực ĐBSCL đã thử nghiệm liên kết với nông dân để triển khai trồng và tiêu thụ loại giống lúa này nhưng đều không cho kết quả như mong đợi nếu không muốn nói là thất bại.
Cụ thể, vụ đông xuân 2014 – 2015, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường đã hợp đồng trồng 1.000 ha lúa Jasmien 85 với chi nhánh đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu ĐBSCL (TCty Lương thực miền Bắc – VNF1) theo liên kết: DN đầu tư giống, sau đó thu mua trên cơ sở giá thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, HTX phải tự bán bên ngoài và “thanh lý sớm” HĐ với VNF1. Nguyên nhân cơ bản là do gạo của HTX Tân Cường không đạt chất lượng như hợp đồng do tỉ lệ thuần phải lớn hơn 90%, nhưng kiểm tra thực tế chỉ đạt khoảng 70%.
Điều mà các chuyên gia lo ngại nhiều là đầu ra của gạo Jasmine trên thế giới đang dần bị thu hẹp. Theo GS Võ Tòng Xuân, hiện nhiều quốc gia đã “xóa sổ” giống lúa này. Tại Mỹ, giống lúa thơm Jasmine 85 được nhận chuyển giao từ IRRI vào năm 1989, nhưng sau đó, hàng năm quốc gia này phải nhập 700.000 tấn giống gạo thơm của Thái Lan, vì người tiêu dùng chê mùi thơm và hương vị của Jasmine kém. Vì vậy, từ năm 1999, Bộ Nông nghiệp nước này đã thực hiện việc “cải thiện giống lúa Jasmine” thành Jazzman, Jazzman 2 có hương vị tương tự và hơn giống Hom mali của Thái Lan. Hiện Jazzmen 2 được bán tại Mỹ với giá 3,77USD/kg so với giá gạo Jasmine nhập khẩu từ Thái Lan giá 2,64-3,08 USD/kg.
Cũng theo GS Xuân, đối với người tiêu dùng nước ngoài họ chỉ cần biết về chất lượng của gạo như thế nào, chứ ít ai quan tâm tới lịch sử, văn hóa trong hạt gạo đó như Đề án thương hiệu gạo Quốc gia đã được phê duyệt. Vì vậy, nếu chọn Jasmine làm thương hiệu gạo e rằng, VN đang đi ngược với nhu cầu tiêu dùng của thế giới và đang dần phá vỡ một cái chuẩn chung của hạt gạo…
Cân nhắc chọn thương hiệu cho gạo Việt
Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là hết sức cần thiết, nhưng cần xem xét, cân nhắc thận trọng. Thương hiệu quốc gia phải mang tính đại diện, vượt trội và bền vững. Đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT cho rằng, giống lúa thơm Jasmine là giống lúa được lai tạo tại Viện IRRI Philippines, là sự phối trộn giữa giống cao sản IR262 với giống lúa thơm Khao Dawk Mali của Thái Lan.
Hiện nay, Jasmine 85 được trồng phổ biến, có mùi thơm cơ bản giống như gạo Thái Lan nhưng năng suất thấp và rất khó trồng, chi phí cao hơn đối với giống cao sản không thơm. Vì vậy, thương lái dùng giống Jasmine để trộn với nhiều giống cao sản khác có dạng gạo tương đương nhưng năng suất cao hơn và dễ trồng hơn. Gạo thơm của VN được đưa ra thị trường theo cách như thế, không ai dám bảo đảm nguồn gốc nên cũng rất khó xây dựng thương hiệu gạo Việt từ loại giống này- vị đại diện này chia sẻ.
Tuy nhiên, với quan điểm của người đứng đầu VFA ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) lại cho rằng, cách đây khoảng 8 năm, tỷ lệ gạo thơm chỉ chiểm khoảng 3% tổng lượng gạo XK của VN, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này đã chiếm đến 26%. Hơn nữa, nếu trước đây, gạo thơm của VN chỉ có giá khoảng 460 USD/tấn, nhưng trong thời gian qua, giá gạo thơm đang tăng, và DN VN có thể bán được với giá 600 USD/tấn. Vì thế, VFA sẽ chọn gạo thơm Jasmine để xây dựng thương hiệu cho gạo VN trong những năm tới.
Có lẽ, “cuộc đua” tìm thương hiệu gạo Việt sẽ còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, từ thực tế 4 cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” (Worlds Best Tasting Rice) gần đây cho thấy, Myanmar và Campuchia qua mặt nhiều cường quốc lúa gạo để đăng quang là nhờ có giống gạo thơm đặc thù. Đây thật sự là những “tấm gương” để những người có trách nhiệm soi rọi trước khi đưa ra quyết định chọn loại gạo làm thương hiệu quốc gia. |
Nguồn DDDN