Chủ Nhật | 01/09/2013 14:24

Thuế tự vệ có thực sự cứu sản xuất trong nước?

Tự vệ thương mại là biện pháp một quốc gia đánh thuế lên các sản phẩm hàng hóa ngoại nhập để bảo hộ sản xuất trong nước.
Bắt đầu từ 7/9, Việt Nam chính thức áp dụng thuế tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra biện pháp này để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Mức thuế chống phá giá được áp dụng 5% đối với các sản phẩm dầu nành và dầu cọ tinh luyện nhập khẩu từ các nước Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia... Thuế suất sẽ giảm dần theo từng giai đoạn và chỉ còn lại 2% từ 7/5/2016 đến 6/5/2017.

Trong xu thế thương mại toàn cầu, dần dần các loại thuế xuất/nhập khẩu giữa các nước sẽ được tiết giảm và loại bỏ, việc áp dụng thuế tự vệ là một bước đi nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Đánh thuế không phải là biện pháp "trả đũa"

Lẽ dĩ nhiên, các doanh nghiệp dầu ăn rất hồ hởi với quyết định mới này của Bộ Công thương. Có một nghịch lý mà các doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay vẫn phải chịu, đó là khi "mang chuông đi đánh xứ người", các sản phẩm của Việt Nam bị đánh đủ loại thuế, chịu đủ các hàng rào phi thuế quan, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại phải "tả xung hữu đột" với các sản phẩm nhập khẩu mà không được trang bị "mảnh áo giáp" nào.

Mục đích đánh thuế lên các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không có gì khác hơn là bảo vệ nền sản xuất của chính họ. Từ cá, tôm, đến móc áo... đều đã nhận quả đắng của các biện pháp thuế quan được cho là "vô lý". Các doanh nghiệp sản xuất tôm khốn đốn sau phán quyết thuế chống trợ cấp. KSA sau phán quyết đánh thuế chống phá giá và chống trợ cấp đã phải đi đường vòng bằng cách xây dựng nhà máy ở Lào, tiếp tục sản xuất móc áo và xuất khẩu sang Mỹ. Lý do đơn giản, Mỹ chưa đánh thuế lên sản phẩm móc áo nhập khẩu từ Lào. Chưa, có nghĩa là trong tương lai có thể là có, không ai đoán trước được.

Lẽ dĩ nhiên, việc áp thuế không phải là một biện pháp "trả đũa" từ Việt Nam. Đó đơn giản là một biện pháp các quốc gia vẫn làm để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Việt Nam bây giờ mới làm, là hơi muộn.

Thuế tự vệ có thực sự cứu sản xuất trong nước?

Không đánh thuế chống bán phá giá như dầu ăn, việc đánh thuế nhập khẩu và các loại thuế tiêu thụ đặc biệt...trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô cũng với mục đích bảo vệ sản xuất trong nước. Kết quả, giá một chiếc xe nhập khẩu từ khi chạm ngõ biên giới đến lúc trao tay cho người tiêu dùng đã đội lên gấp 3 lần.

Ngành công nghiệp ô tô được gì trong việc bảo hộ nói trên?

Tỷ lệ nội địa hóa thấp, thậm chí chưa đạt được mục tiêu nội địa hóa đã đề ra cho nhiều năm trước đó. (Xem thêm ở đây: Nội địa hóa ngành ô tô Việt Nam - bao nhiêu là đủ?), giá thành sản xuất ô tô của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn ở mức cao, thiếu cạnh tranh. Đấy là chưa nói đến chất lượng. Trên thực tế, giá xe nguyên chiếc nhập khẩu từ nước ngoài về đắt hơn 20% (do các loại thuế, phí) nhưng vẫn thu hút khách hàng hơn xe lắp ráp trong nước. Và quan trọng hơn cả, ở Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp sản xuất ô tô, mới chỉ dừng lại ở mức độ lắp ráp.

Nguyên nhân, một lần nữa được "đổ lỗi" cho sự bảo hộ. Việc bảo hộ khiến các doanh nghiệp không tự lớn được.

Đến năm 2018, không lâu nữa, theo lộ trình, Việt Nam sẽ phải bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với xe ô tô. Những đứa con chưa kịp lớn sẽ sớm bị đẩy ra ngoài biển lớn, tự bơi. Không ít người lo ngại, ngành công nghiệp lắp ráp ô tô của Việt Nam không những khó lớn mạnh thành công nghiệp sản xuất, mà có thể bị triệt tiêu, chuyển thành những đại lý nhập khẩu ô tô từ các nước bạn.

Trên phương diện người tiêu dùng, có lẽ, việc bảo hộ không được hoan nghênh trong hầu hết các trường hợp. Đánh thuế vào một sản phẩm, bất kể trong hay ngoài nước, đều khiến người tiêu dùng phải chi trả thêm tiền cho sản phẩm đó. Trong trao đổi gần đây, Phó tổng giám đốc ô tô Trường Hải thẳng thắn: "các mức thuế hiện nay đều là đánh vào người tiêu dùng".

Nguồn CafeF


Sự kiện