Dự báo thu không đạt dự toán năm 2018. Ảnh: Quý Hòa

 
Hoàng Hạnh Thứ Hai | 19/11/2018 06:30

Thuế thu sao cho đủ?

Quản lý thuế phải tạo công bằng cho môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Dự báo thu không đạt dự toán năm 2018 xảy ra ở cả 3 khối doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước (-2,9%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (-15,1%); doanh nghiệp ngoài quốc doanh (-2,2%) chứng tỏ nỗ lực chưa đạt nhiều trái ngọt trong việc củng cố nội lực nền kinh tế nước nhà. Nỗi buồn còn lớn hơn bởi trong khi số nợ thuế tính tới hết tháng 9.2018 là 82.961 tỉ đồng, vẫn phải ghi nhận tình trạng thất thu do chuyển giá, trốn thuế...

“Luật Quản lý Thuế đã được sửa 3 lần trong 10 năm vẫn còn bất hợp lý”, lời than của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng dù được chia sẻ ở mức độ nào cũng khiến dư luận thấm thía nỗi gian nan của “những người gõ cửa thu... tiền”. Trong bối cảnh này, không ngạc nhiên, tại các buổi thảo luận tổ tại nghị trường Quốc hội về Luật Quản lý Thuế sửa đổi, sự chuyển đổi môi trường kinh doanh từ mô hình truyền thống sang kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ... là một trong những nội dung trọng tâm.

Phải thừa nhận, thất thoát phát sinh từ thực trạng thiếu chế tài với hình thức doanh nghiệp 4.0 này nếu được đong đếm đầy đủ có thể so sánh với lỗ hổng đang bị các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lợi dụng để giảm thiểu tối đa ngân lượng phải đóng góp. Sự bất bình đẳng trong trách nhiệm thuế chất lên vai doanh nghiệp kinh doanh truyền thống gánh nặng gấp đôi, vừa phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt, vừa không có tiềm lực để đấu lại theo cách công bằng một phần do phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách.

Phản ứng của nhiều tài xế taxi truyền thống ở Đà Nẵng, đình công để phản đối Grab cạnh tranh không lành mạnh dù có thể bị coi là hơi thái quá nhưng hoàn toàn có thể hiểu được. Tưởng như lời giải chính là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, được quy định trong Dự thảo Luật Quản lý Thuế sửa đổi. Bộ Tài chính sẽ được hỗ trợ bởi các bộ quản lý trực tiếp ngành như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương... để nhận dạng loại hình doanh nghiệp, xác định nghĩa vụ đóng góp và phương thức thu thuế hiệu quả nhất.

Thue thu sao cho du?
 

Tuy nhiên, dư luận vẫn bán tín bán nghi bởi trong trường hợp mô hình Grab, vướng mắc đầu tiên và cốt lõi là sự chậm trễ trong việc định danh loại hình này. Dù đã được quy định trong luật, không có gì đảm bảo sự chậm trễ như vậy không lặp lại ở các mô hình kinh doanh khác, hoặc do sự thiếu năng lực trong quản lý, hoặc do những lợi ích cục bộ, hoặc đơn giản do... quy trình.

Dẫu vậy, vẫn phải ghi nhận những điểm sáng rất tích cực. Thứ nhất là việc áp dụng hóa đơn điện tử. Trong Dự thảo Luật Quản lý Thuế sửa đổi, các lĩnh vực điện lực, xăng dầu, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, siêu thị... đã và sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử sẽ áp dụng hóa đơn điện tử không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; dữ liệu hóa đơn điện tử được kết nối chuyển tới cơ quan thuế và là cơ sở để phục vụ công tác quản lý thuế.

Nếu quy định này được áp dụng bắt buộc, sẽ chấm dứt được tình trạng người mua hàng muốn nhận hóa đơn đỏ bị từ chối thẳng thừng, để khoản thuế gián thu lẽ ra phải nộp về Ngân sách Nhà nước lại trở thành công cụ làm giàu cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hệ thống siêu thị.

Thue thu sao cho du?

Thứ 2, quy định chia sẻ thông tin tài khoản của người nộp thuế cho các cơ quan quản lý thuế sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh thuế thu nhập cá nhân, đánh thuế tài sản. Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính thẳng thắn, đây là điều bắt buộc ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nên là ngoại lệ.

Bước đầu, không cần phải công khai chi tiết từng giao dịch mà công khai tổng thu nhập của tài khoản, với các thông tin xác thực chi tiết để cơ quan quản lý có thể nắm được tổng thu nhập của cá nhân chịu thuế dù họ có tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau. Khi đó, nút thắt cho việc quản lý thu nhập, thu thuế doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh theo mô hình thương mại điện tử sẽ dễ dàng được tháo gỡ.

Thứ 3 là thẩm quyền xóa thuế và khoanh thuế cho doanh nghiệp. Nếu được áp dụng đúng người đúng việc sẽ giúp cho các doanh nghiệp khó khăn có cơ hội tồn tại và nộp thuế. Nói như chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, thay vì buộc doanh nghiệp phải trốn thuế do không thể chi trả khoản tiền phạt nộp chậm với lãi suất ít nhất 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, thường là cao gấp nhiều lần số nợ thuế, tốt hơn là hãy khoan thử sức doanh nghiệp, để họ gượng dậy và thực hiện trách nhiệm đóng thuế