Thứ Tư | 22/06/2016 07:15

Thuế suất của Việt Nam đang cao

Chi phí thuế, bảo hiểm xã hội gánh gần 40% lợi nhuận doanh nghiệp.

Mặc dù ngành thuế đã có những cố gắng nâng cao năng lực cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên thuế suất cao vẫn đang là một trong những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Vấn đề này tiếp tục được các chuyên gia nghiên cứu đưa ra tại hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế” do Tổng cục Thuế và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức (CIEM) ngày 21-6 ở Hà Nội.

70 cán bộ thuế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu?

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, 86% DN thấy cơ quan thuế cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, dù phần lớn họ đã tỏ ra hài lòng hơn trước. 100% DN được khảo sát đều đánh giá cao những nỗ lực cải thiện của cơ quan thuế về văn hóa ứng xử, ứng dụng CNTT và thể chế. Nhiều DN từng vui mừng chia sẻ rằng họ được đón tiếp và hướng dẫn rất niềm nở khi đến với Tổng cục Thuế, cục thuế các tỉnh, TP. Tuy nhiên, không phải tất cả cán bộ thuế đều có thái độ tốt như vậy. Những cải cách thường chỉ hướng vào số nhỏ DN, điều này khiến bức xúc của người dân về thuế vẫn thường ngày có trên mặt báo.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cho rằng hơn 500.000 DN và khoảng 1,5 triệu hộ kinh doanh đang nộp thuế đòi hỏi cán bộ thuế cơ sở phải có năng lực rất cao. Cải cách thuế đặt ra hai vấn đề: Cải cách về thể chế và cải cách về quản lý. Trong đó thực tế chỉ ra rằng khâu yếu nhất vẫn là con người. Hiện tại 70% cán bộ thuế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý…

“Vấn đề bức thiết là đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ thuế quản lý DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Làm sao để họ thật tinh thông nghiệp vụ và luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp” - bà Cúc chia sẻ.

Bài toán khó cho ngành thuế

Còn bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng thuế suất của Việt Nam đang cao. Thuế suất cao vẫn đang là một trong những vấn đề khó khăn của DN Việt Nam. Theo bà Thảo, tỉ lệ nộp thuế và BHXH trên lợi nhuận của DN vẫn còn ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%.

Trao đổi với chúng tôi, bà Cúc cho rằng đối với nền kinh tế phát triển, làm thế nào để tỉ lệ huy động thuế/GDP ngày càng giảm nhưng về số thu tuyệt đối năm sau phải cao hơn năm trước (bình quân tăng 15%-16%). Đây là bài toán cho ngành thuế.

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, năm 2016 Chính phủ đặt mục tiêu là bằng các nước ASEAN 4. Theo đó, thời gian nộp thuế và BHXH là 168 giờ/năm và phải thay đổi căn bản phương thức quản lý nhà nước, đánh giá rủi ro, xử lý khiếu nại về thuế, khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện để DN tiếp cận tín dụng và đất đai… Đến năm 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu tham vọng là đạt trung bình ASEAN 3. Trong đó chỉ tiêu nộp thuế và BHXH là 155 giờ.

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho hay ngành thuế sẽ đưa ra các giải pháp giảm chi phí tuân thủ thuế cho người nộp thuế; triển khai hình thức tiếp nhận và trả kết quả hoàn thuế điện tử. Đồng thời công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra…

Hiệp hội Thuế Việt Nam: Tổng các khoản đóng góp về thuế, bảo hiểm bắt buộc/lợi nhuận ròng của Việt Nam năm 2014 là 35,2%, trong khi mức bình quân của ASEAN 6 là 31%. Năm 2016, tỉ lệ này của Việt Nam tăng lên 39,34%.

Nguồn PLO