Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Ba | 17/04/2018 08:53

Thuế đất và nhà ở: Đừng áp như “mệnh lệnh hành chính”

Thêm đề xuất thuế đất và nhà ở khiến cảm nghĩ về sự “tận thu” dường như được củng cố từ suy giảm nguồn thu ngân sách.

Thuế tài sản, một từ khóa rất “hot” những ngày gần đây. Nó xuất phát từ việc Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh..., có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm.

Như vậy, một căn nhà trị giá 1,7 tỷ đồng, chủ sở hữu sẽ phải nộp 4 triệu đồng một năm thuế tài sản cho phần một tỷ đồng vượt ngưỡng phải chịu thuế.

Bất hợp lý

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank), nói với NCĐT rằng ông “không đồng tình với cách đánh thuế như thế”. Đánh thuế trên bất động sản có hai nguyên tắc: Công bằng và hỗ trợ người dân mua căn nhà đầu tiên. Thế nhưng, việc đánh thuế trên đất và nhà ở sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho hầu hết người dân, đặc biệt người nghèo, thu nhập thấp.

Theo TS Hiếu, việc đánh thuế trên căn nhà đầu tiên sẽ tác động tiêu cực đến những người dân mua nhà lần đầu, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là giúp người dân mua được nhà. Nền kinh tế và thị trường bất động sản cũng sẽ chịu tác động rất lớn từ loại thuế này, do việc khuyến khích người dân mua nhà không còn nữa.

Thue dat va nha o: Dung ap nhu “menh lenh hanh chinh”
 

Đất và nhà ở là tài sản lớn nhất trong đời người. TS Hiếu đề nghị “không đánh thuế trên tài sản” bởi những “bất hợp lý” của loại thuế này. Tuy nhiên, ông cũng tính đến khả năng loại thuế này sẽ sớm được áp dụng với  mức thuế đã được chốt và công bố dự thảo chỉ như một động thái thăm dò.

“Không đánh thuế căn nhà thứ nhất”, TS Hiếu nói, với trường hợp đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận. Nhưng ông lưu ý, “chỉ đánh thuế trên giá trị của đất”, không đánh thuế tài sản trên đất” cho cả căn nhà đầu tiên, căn nhà thứ hai, thứ ba…

Vẫn giả định áp thuế, TS hiếu cho rằng nên “đánh thuế từ căn nhà thứ hai” theo nguyên tắc công bằng. Theo ông, cách này giúp nhà nước thu được thuế nhà đất của người giàu đầu tư.  

Đang có nhiều người dân vay ngân hàng để mua căn nhà thứ nhất. TS Hiếu cho rằng Chính phủ nên ưu đãi cho người mua căn nhà thứ nhất, không đánh thuế thu nhập mà người dân dùng để trả lãi vay ngân hàng để mua căn nhà thứ nhất.

Tại Mỹ, Chính phủ đã khuyến khích người dân mua nhà bằng cách không đánh thuế thu nhập số tiền người dân dùng để trả lãi ngân hàng, nhưng chỉ áp dụng cho căn nhà thứ nhất.

Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có 2 cách để áp sắc thuế này, theo TS Hiếu. Một là, áp thuế đất và nhà ở như một “mệnh lệnh hành chính”, bỏ qua ý kiến đóng góp của người dân. Hai là, dùng phương thức dân chủ: lấy ý kiến, tôn trọng đóng góp của người dân để đúc kết thành một chính sách thuế hợp lý.

Cải cách ngay nội bộ ngành thuế

Cùng đề xuất thuế tài sản, 5 loại thuế khác đang được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng, tạo cảm nghĩ về sự tận thu. Điều này là hình dung được nếu nhìn vào tình hình thu ngân sách nhà nước, với mức thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2017 lên tới khoảng 115.500 tỷ đồng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2017 ước đạt 1.104.000 tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm, nhưng tổng chi ngân sách nhà nước lên tới 1.219.500 tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 862.600 tỷ đồng.

Thực ra, không quá khó để hiểu rằng Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác để bù đắp cho nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng suy giảm do Việt Nam thực thi các cam kết từ 16 hiệp định thương mại tự do đã ký.

Thế nhưng, việc tăng thuế, một mặt gia tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức, mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu các loại thuế này trong tổng thu ngân sách.

Để đảm bảo cân đối thu chi, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói rằng cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất.

Thue dat va nha o: Dung ap nhu “menh lenh hanh chinh”
 

Muốn vậy, “cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế”, PGS.TS Thành nói và không quên khuyến cáo một giải pháp đi liền là duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên.

Theo ông Thành, chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, một phần nguyên nhân tới từ bộ máy nhà nước và đoàn thể chính trị cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả.

Thêm nữa, PGS.TS Thành đề xuất Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước như đã và đang thực hiện thời gian vừa qua. 

Việc áp thuế tài sản vẫn ở phía trước, khi đại diện Bộ Tài chính xác nhận, việc xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương sẽ được tiến hành trong tuần tới. Kế đó, dựa trên ý kiến tiếp thu, Bộ này sẽ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đưa vào chương trình xây dựng luật.