Bá Ước Thứ Tư | 04/04/2018 14:00

Thuế 0%, Vĩnh Hoàn rộng đường vào Mỹ

Mỹ đã công bố mức thuế áp chống bán phá giá cao chưa từng có đối với cá tra - cá basa của Việt Nam, từ 2,39-7,74 USD/kg

Mức thuế kỷ lục này nối dài khó khăn của doanh nghiệp Việt. Tất nhiên, những doanh nghiệp không bị áp thuế sẽ có những lợi thế rất lớn tại thị trường Mỹ.

Bị “tấn công” vì có nhiều lợi thế

Người tiêu dùng trên thế giới ngày càng có xu hướng chọn những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, trong đó các chuyên gia khuyến khích sử dụng thịt trắng để thay thế thịt đỏ. Theo xu hướng này, cá tra/cá basa được các nước phương Tây rất ưa chuộng. Cá tra của Việt Nam càng được ưa chuộng hơn vì người tiêu dùng phương Tây cho rằng thịt cá trắng (cá tra nuôi tại Việt Nam) thì sạch hơn thịt cá màu vàng (ở Indonesia và Ấn Độ là màu vàng nhạt). Thêm vào đó, cá tra hầu như không có nhiều xương ngạnh nên dễ chế biến. Chính nhờ những yếu tố đó mà cá tra trở thành loại thủy sản xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam xét về khối lượng và thứ 2 xét về giá trị.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 10 năm CAGR là 6,1% từ mức 980,0 triệu USD năm 2007. Tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam không tăng trưởng theo đường thẳng. Cụ thể, ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao trong 2 năm 2008 và năm 2011 với mức tăng trưởng lần lượt là 48,2% và 30,1% theo năm. Ngoài 2 năm này, kim ngạch xuất khẩu của ngành gần như không tăng trưởng, đặc biệt là trong 6 năm vừa qua. Tình hình này chủ yếu do rào cản nhập khẩu từ Mỹ và EU - hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Các rào cản gồm có thuế chống phá giá, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch và gần đây hơn là các quy định Farm Bill do Mỹ đưa ra.

Những ưu điểm kể trên của cá tra Việt Nam có thể gây thiệt hại cho ngành cá tra nước nhập khẩu nên các nước như Mỹ, châu Âu luôn tìm mọi cách để tạo ra rào cản với cá tra Việt Nam.

Để có thể chiến thắng Mỹ trong các vụ kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp phải chứng minh giá vốn bán hàng để họ kết luận rằng cá tra vào Việt Nam là không bán phá giá.

Vừa qua, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá mới lên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dao động từ 3,87-7,74 USD/kg, cao hơn nhiều so với kết quả ban đầu công bố vào tháng 9.2017. Chỉ có 2 doanh nghiệp được giữ nguyên hoặc giảm thuế là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (thuế bằng 0%) và Thủy sản Biển Đông (một công ty chưa niêm yết với mức thuế  0,19 USD/kg).

Đây là điều đặc biệt có lợi cho 2 công ty trên khi HSC cho biết giá xuất khẩu cá tra bình quân vào thị trường Mỹ khoảng 3,87 USD/kg, với mức đánh thuế kể trên thì nhiều khả năng hầu hết các doanh nghiệp trong số này sẽ không thể tiếp tục xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Theo đó Vĩnh Hoàn và Biển Đông sẽ độc chiếm thị trường này.

Vì sao Vĩnh Hoàn là ngoại lệ?

Khác với các doanh nghiệp khác tập trung vào thị trường Trung Quốc với giá bán thấp hơn, Vĩnh Hoàn lại tập trung vào thị trường Mỹ và châu Âu với giá bán cao hơn, kèm theo đó là các quy định chặt chẽ hơn. Nhờ trải nghiệm với những quy định chặt chẽ như vậy, Vĩnh Hoàn đã sớm xây dựng chuỗi nuôi trồng, sản xuất khép kín từ con giống, vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến hiện đại, cung ứng ra thị trường nhiều loại sản phẩm từ phi-lê đông lạnh, cá ướp, cá bột, đến collagen, gelatin, gạo và tôm. Công ty hiện đang hoạt động với 32 ao nuôi trên tổng diện tích 530ha và 55ha vùng ươm cá tra giống. Một nửa diện tích vùng nuôi của Công ty đã có các chứng nhận Global GAP, ASC hoặc BAP.

Để quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc con giống, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng kháng sinh, Công ty có chính sách cung cấp con giống chất lượng cao và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Điều này giúp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ và bền vững cho ngành cá tra tại Việt Nam. Theo Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn, giá bán bình quân cũng tăng lên từ 10-15% so với thị trường nhờ có các chứng nhận chất lượng nêu trên.

Trong 2 năm qua, Vĩnh Hoàn đã chọn tập trung nguồn lực vào các thị trường truyền thống là Mỹ và EU thay vì mở rộng thị trường mới là Trung Quốc do thiếu nguyên liệu. ACBS tin rằng động thái này của Vĩnh Hoàn là một bước đi đúng do giá bán bình quân tại thị trường Trung Quốc có xu hướng thấp hơn so với các thị trường khác, nguyên nhân chính là do Trung Quốc thường nhập khẩu cá nguyên con thay vì phi-lê đã qua chế biến.

Thue 0%, Vinh Hoan rong duong vao My
 

Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân Đội, Vĩnh Hoàn đang có những bước đi thận trọng hơn cho thị trường Trung Quốc. Thực tế, Công ty muốn tiếp cận thị trường nhập khẩu chất lượng của của Trung Quốc thay vì mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, xuất khẩu ồ ạt cá tra vào thị trường chất lượng thấp ở Trung Quốc. Cụ thể, năm 2015, Vĩnh Hoàn thành lập một công ty thương mại tại Trung Quốc và mua lại một nhà máy chế biến để tăng công suất chế biến. Đây có thể là động thái nhằm gia tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, chiến lược kinh doanh của Vĩnh Hoàn là hướng đến phát triển nhiều hơn nữa các mặt hàng giá trị gia tăng. Ngoài ra, do Mỹ và EU là 2 thị trường khắt khe nhất nên đáp ứng được các tiêu chuẩn của 2 thị trường này sẽ giúp Vĩnh Hoàn thâm nhập vào các thị trường khác.

Công ty này hiện chiếm 43,5% tổng sản lượng cá tra nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam. Trong thị trường này, sản phẩm của Vĩnh Hoàn được bán tại các chuỗi bán lẻ nổi tiếng như Walmart, Target, Trader Joe’s & Kroger. Sysco và US Food Service cũng là khách hàng lâu năm của Vĩnh Hoàn tại Mỹ. Đối với thị trường EU, Vĩnh Hoàn chiếm 15,1% thị phần cá tra Việt Nam tính đến thời điểm cuối năm 2017. Sản phẩm của Vĩnh Hoàn được bán tại các siêu thị Tesco, Casino và Metro.

Hiện tại, sản phẩm chính của Vĩnh Hoàn là phi-lê cá tra đông lạnh, chiếm hơn 75% tổng doanh thu trong năm 2016. Sự đóng góp của các sản phẩm giá trị gia tăng vẫn còn ít, chiếm dưới 2% tổng doanh thu. Mục tiêu là đưa tỉ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng tăng lên 10% doanh thu, do phân khúc này có tỉ suất lợi nhuận cao đạt 22-25%.

Công ty Chứng khoán HSC cũng đưa ra nhận định khả quan về Vĩnh Hoàn khi dự báo doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm nay sẽ tăng trưởng 26% về giá trị nhờ cả giá bán và sản lượng tăng. HSC dự báo trong năm 2018, Vĩnh Hoàn sẽ xuất khẩu được 45.133 tấn cá tra sang thị trường Mỹ, tăng 5% nhờ lợi thế về thuế và quá trình kiểm tra của Chương trình Hữu cơ Mỹ (USDA) diễn ra suôn sẻ hơn. Dự báo giá bán sẽ đạt 4 USD/kg, tăng 20% do giá cá nguyên liệu và giá xuất khẩu nói chung tiếp tục tăng. Theo đó doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể đạt 181 triệu USD, tăng trưởng 26%.