Ảnh: Samsung C&T.
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhìn từ trường hợp Samsung C&T
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh hiệu quả thực thi pháp luật liên quan mức thấp, khiến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài suy giảm.
Mới đây, một công ty xây dựng được cho là sử dụng trái phép thương hiệu bất động sản hạng sang của Hàn Quốc để quảng cáo căn hộ của mình tại TP Hồ Chí Minh, dù phía Hàn Quốc không hề tham gia bất kỳ dự án nào của công ty này.
Tập đoàn Samsung C&T trong văn bản ngày 19/7 cho rằng, công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) – một công ty xây dựng trong nước đã sử dụng thương hiệu và hình ảnh RAEMIAN CITY, một trong những thương hiệu căn hộ nổi tiếng của Samsung C&T, nhằm đánh bóng tên tuổi và quảng bá căn hộ của HDTC tại TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, HDTC đã từng thông báo trên website của mình về hợp tác với đối tác Hàn Quốc. Theo đó, Samsung C&T là đối tác hoặc nhà cung cấp các dịch vụ quản lý cho nhiều dự án của HDTC tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi tập đoàn phía Hàn Quốc cho rằng họ chưa từng hợp tác với phía đối tác Việt Nam.
Trong văn bản, Samsung C&T, tập đoàn có hơn 80 năm tham gia các dự án xây dựng trên thế giới, cho rằng, họ chưa bao giờ tham gia vào việc xây dựng cũng như quản lý dự án nói trên của HDTC.
Vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ trong bất động sản ngày càng nhiều. |
Tập đoàn xây dựng Hàn Quốc này cũng cho rằng, thương hiệu nhà ở cao cấp của họ - RAEMIAN bị HDTC khai thác trái phép. HDTC đã dùng “Raemian” để thành lập 3 công ty tại Việt Nam và đăng ký 4 tên miền gồm: raemian.vn, raemiancity.vn, raemian.com.vn, and raemiancity.com.vn.
Nhiều khách hàng đã liên hệ với Samsung C&T để xác minh liệu tập đoàn này có thực sự hợp tác với HDTC để xây dựng những căn hộ mà họ quảng bá. Samsung C&T bác bỏ bất kỳ sự hợp tác nào với HDTC và đã thông báo sự việc tới Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và cộng đồng người Hàn Quốc tại đây liên quan tới vi phạm này.
"Chúng tôi đang trong quá trình xem xét phản hồi pháp lý, bao gồm nhiều hành động dân sự và hành chính khác nhau và đã kiểm tra các loại vi phạm khác nhau để gửi yêu cầu đánh giá tới Viện nghiên cứu sở hữu trí tuệ Việt Nam”, Samsung C&T cho biết trong văn bản.
Trường hợp của Samsung C&T là trường hợp mới nhất liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (IPR) tại Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Ủy ban ngành quyền sở hữu trí tuệ EuroCham đã bày tỏ lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IPR) tại Việt Nam, đặc biệt là trong không gian mạng trong Sách trắng 2019 mới được công bố.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng vẫn là một vấn đề khó giải quyết, đặc biệt là những vấn đề về chiếm dụng tên miền, các trang web chia sẻ nội dung vi phạm bản quyền và buôn bán các sản phẩm vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử.
“Khung pháp lý để giải quyết các hành vi vi phạm này vẫn chưa thỏa đáng”, trích nội dung từ Sách Trắng 2019, một ấn phẩm thường niên của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Cụ thể, việc thiếu quy định về các biện pháp “thông báo và gỡ bỏ” đối với hành vi niêm yết giả mạo trên các nền tảng thương mại điện tử hoặc nội dung vi phạm bản quyền trên các trang web vi phạm tiếp tục hạn chế quyền tự vệ của chủ sở hữu quyền IPR.
Trên thực tế, chủ sở hữu quyền IPR thường tìm kiếm các biện pháp xử lý hành chính để chống lại các hành vi xâm phạm quyền IPR, cách làm được cho là phổ biến và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức vi phạm ngày càng trở nên “tinh vi” hơn và cố gắng trì hoãn việc thực hiện thủ tục hành chính. Hơn nữa, mức phạt thấp không thể ngăn chặn hành vi vi phạm liên tục hoặc lặp đi lặp lại của những cá nhân, tổ chức này.
Ngoài lựa chọn biện pháp xử lý hành chính, chủ sở hữu quyền IPR có thể tìm kiếm các biện pháp xử lý hình sự với tác dụng răn đe lớn hơn đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong đó cá nhân, tổ chức vi phạm là các nhà sản xuất giả mạo hoặc liên quan đến các sản phẩm dược phẩm hoặc hàng tiêu dùng.
Song, giải quyết theo phương thức hình sự cũng gặp nhiều khó khăn bởi quy định hiện hành thiếu hướng dẫn về thủ tục, các yêu cầu thiếu rõ ràng để truy tố hình sự trong khuôn khổ pháp lý hiện hành. Điều này đã đặt ra thách thức trong việc thực thi các biện pháp xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quyền IPR.
Ủy ban ngành quyền sở hữu trí tuệ tin rằng, sự không chắc chắn trong việc ngăn chặn tội phạm mạng có thể khiến các doanh nghiệp quốc tế không muốn đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, những người vi phạm đã lợi dụng điều khoản giải quyết vi phạm quyền IPR khi có tranh chấp bằng cách trì hoãn việc giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền.
Các biện pháp xử phạt hành chính đơn thuần trong nhiều trường hợp không thể bù đắp được những tổn thất mà các doanh nghiệp bị thiệt hại do hành động xâm phạm IPR. Do đó, việc cải thiện năng lực tư pháp trong xử lý các vấn đề IPR sẽ giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cuối tháng 6 vừa qua, Liên minh châu Âu đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, trong đó chương IPR đưa ra những quy định và biện pháp nhằm thực thi IPR hiệu quả. Đây là một trong những nỗ lực của hai phía nhằm đảm bảo khuyến khích đầu tư đổi mới sáng tạo và tránh những vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô lớn, gây tổn hại kinh tế và giảm niềm tin của doanh nghiệp. Theo đó, rất nhiều hành động cụ thể sẽ được áp dụng khi hiệp định thương mại có hiệu lực, dự kiến khoảng một năm tới.