Thực thi CTTPP: Sức ép rất lớn về chất lượng lao động
Ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam chịu sức ép rất lớn về chất lượng nguồn lao động, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu nhận xét tại Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CTTPP”, ngày 5.4 ở Hà Nội.
Theo bà Dung, số lượng dồi dào nhưng tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn.
Tại thời điểm quý III/2017, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017 ở mức 237.000 người, tương đương 4,51%, Cục trưởng Cục Việc làm dẫn số liệu Bản tin Thị trường lao động số 15 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
CTTTP có gì về lao động ?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng TPP có nội dung gì về lao động thì CTTPP có cái đó. Nói cách khác, CTTPP tiếp nối phần lớn các cam kết của TTP dù tạm hoãn một số điểm, song trong những điểm tạm hoãn này, không có các nội dung về lao động.
Trong CTTPP, Việt Nam phải thực thi hai nhóm cam kết về quyền của người lao động và điều kiện lao động, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1998 của ILO. Như vậy, Việt Nam không chịu nhiều thách thức trong quá trình thực thi các cam kết về lao động tại Chương 19 của hiệp định này, do nội dung các cam kết không quá chặt chẽ như Hoa Kỳ yêu cầu trong TPP.
Tuy nhiên, áp lực sẽ lớn hơn khi Việt Nam thực thi các cam kết trong các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam với các đối tác thành viên khác, theo bà Thu Trang.
Một điểm bà Trang quan ngại là “đến thời điểm này, chúng tôi chưa tiếp cận được thư song phương giữa Việt Nam và Mexico để có thể xem xét các nội dung nước ta đã cam kết về lao động”.
Trong quá trình đàm phán CTTPP, bà Trang cho hay, Mexico đã có yêu cầu rất cao đối với Việt Nam về vấn đề lao động, thậm chí mức độ yêu cầu này là cao hơn Hoa Kỳ trong TPP. Nếu như vậy, nguy cơ ngừng các nhượng bộ thương mại hàng hóa với nước này sẽ có “sức ép rất khác” với Hoa Kỳ.
Chưa thể tính hết những ảnh hưởng của CTTPP đến thị trường lao động của Việt Nam, nhưng một điều bà Trang chắc chắn rằng “chi phí doanh nghiệp phải trả cho nguồn lao động sẽ cao hơn trong tương lai”.
Việt Nam phải làm gì?
Việt Nam đã ký CTTPP, cơ hội cho doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, kinh doanh sẽ không hiệu quả nếu doanh nghiệp có nguồn nhân lực tốt nhưng quản trị không tốt.
Ông Stephan Ulrich, Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho biết, Việt Nam chỉ đứng cùng Kenya, Nigeria về trình độ quản lý doanh nghiệp, chưa thể đạt ngưỡng các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Chuẩn bị cho lực lượng lao động giai đoạn mới, ông Stephan Ulrich nói rằng Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật, để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai.
Giáo dục đào tạo và khởi nghiệp là hai lĩnh vực ông Stephan Ulrich khẳng định “cần cải cách”. Theo ông, sự kết nối giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong lĩnh vực đào tạo là rất quan trọng, đó là cách để lĩnh vực tư thúc đẩy lĩnh vực công thay đổi, cải cách các phương thức giáo dục và đào tạo.
Tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội thời gian tới.