Thứ Sáu | 29/05/2015 16:44

Thúc đẩy xuất khẩu nhờ TPP – Đừng ảo tưởng

Theo Financial Times, các hiệp định thương mại không có nhiều tác dụng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở các nước nghèo và TPP sẽ không phải là ngoại lệ.

Để tìm ra một lý do xác đáng để thông qua Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một số chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những lợi ích phát triển kinh tế đối với các nước đang phát triển tham gia hiệp định, đặc biệt là Việt Nam.

Tranh luận chỉ ra rằng, Việt Nam – nền kinh tế đang theo đuổi mô hình phát triển truyền thống ở khu vực Đông Á đó là phát triển dựa vào xuất khẩu một số nông sản như gạo, cà phê – sẽ được hưởng lợi từ việc miễn, giảm thuế quan, trong đó có hàng dệt may khi vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, lập luận này vẫn chưa thực sự ổn bởi nó chỉ áp dụng chung chung cho quan hệ nhân quả giữa các hiệp định thương mại với tăng trưởng nhờ xuất khẩu.

Thứ nhất là các hiệp định tự do thương mại chỉ được thông qua với những hạn chế nhất định và những hạn chế đó phần lớn sẽ làm giảm những lợi ích mà hiệp định có thể mang lại. Một lý do nữa là rất nhiều nền kinh tế thành công với tăng trưởng nhờ xuất khẩu mà không cần các hiệp định tự do thương mại song phương, khu vực. Cuối cùng, gần đây, mô hình thương mại toàn cầu đang có sự biến đổi nghĩa là cơ hội cho tăng trưởng kinh tế dựa vào thương mại có thể cũng giảm xuống.

Như Kim Elliott, chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm phát triển toàn cầu chỉ ra, lợi ích của TPP đối với các nước xuất khẩu dệt may như Việt Nam sẽ giảm đi do quy luật gọi là “yarn forward” mà Mỹ đề ra. Theo đó, các mặt hàng dệt may chỉ được hưởng lợi khi sợi do chính nước xuất khẩu làm ra hoặc nhập từ một quốc gia khác tham gia TPP, ngược lại sẽ không được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, nguyên liệu sợi của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc – quốc gia chưa tham gia đàm phán TPP. Quy tắc về nguồn gốc này được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu từ một nước thứ 3 sau đó tái xuất khẩu vào thị trường tham gia TPP để lợi dụng ưu đãi thương mại.

Mặc dù tự do hóa thương mại hơn đối với hàng dệt may có thể là tin tốt cho Việt Nam nhưng có lẽ Việt Nam có thể làm tốt hơn kể cả không có hiệp định này. Năng suất cao và hạ tầng tốt là những yếu tố được cho là quan trọng hơn cả thuế quan thấp bởi nó giúp các nhà xuất khẩu tăng cường sức cạnh tranh.

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp hàng dệt may lớn thứ 2 của Mỹ, chiếm 11%. Thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện năng suất lao động, dệt may Việt Nam có thể đánh bật các đối thủ khác, kể cả các nước xuất khẩu dệt may với chi phí sản thấp thấp hơn và dân số lớn hơn như Bangladesh.

Dệt may của Việt Nam thậm chí tiến triển tốt hơn cả những nền kinh tế ít chịu hạn chế thương mại của Mỹ như các quốc gia châu Phi. Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) của Mỹ nới lỏng quy định về nguồn gốc theo đó cho phép sử dụng nguyên liệu sợi nhập khẩu.

AGOA có thể coi là một con đường với mục tiêu giúp châu Phi thúc đẩy xuất khẩu để thoát nghèo, song thực tế tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa không tính dầu mỏ ở đây vẫn rất hạn chế.

Được hưởng lợi thực sự từ xuất khẩu dệt may lại là những nền kinh tế có thu nhập khá hơn như Mauritius, Nam Phi.

Với các nước cơ sở hạ tầng ngành, hạ tầng giao thông kém, năng suất lao động thấp thì miễn/giảm thuế quan không đủ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của họ. Quả thật, điển hình về mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu chính là Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng mạnh giai đoạn những năm 1990 kể cả trước khi nước này trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Mỹ  khi đó coi Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất và đặt ngang với các thành viên WTO.

Sự phát triển của “Công xưởng châu Á” giai đoạn những năm 1990, 2000 do đó vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, cũng khó để chứng minh được một hiệp định tự do thương mại nào đó đóng góp vào sự tăng trưởng nói trên.

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua hiệp định tư do thương mại khu vực năm 1991, nhưng theo khảo sát của công ty xuất khẩu Nhật Bản Jetro, thỏa thuận hợp tác này có vai trò rất ít trong thúc đẩu các liên kết thương mại nội khối.

Thỏa thuận Công nghệ Thông tin (ITA), một hiệp định hợp tác song phương áp dụng với những mặt hàng và linh kiện điện tử nhất định ra đời năm 1996 có thể có tác động nhiều hơn đối với sự ra đời của Công xưởng châu Á. Nhưng ITA là một thỏa thuận mở mà ở đó các bên hưởng lợi còn được mở rộng đến tất cả thành viên WTO thay vì chỉ các bên ký kết.

Và nếu sự bùng nổ xuất nhập khẩu của các thị trường mới nổi được hưởng lợi rất ít từ các hiệp định tự do thương mại

Việc quốc tế hóa chuỗi cung ứng giữa các thị trường mới nổi lớn, đặc biệt là Trung Quốc có thể làm hạn chế khả năng của các nền kinh tế đang phát triển khác để theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và lao động dồi dào.

Vấn đề ở đây là cần thận trọng với các hiệp định tự do thương mại hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởn g với các nền kinh tế đang phát triển khi các nhượng bộ thương mại có thể trở thành lỗ hổng. TPP có thể có những lợi ích nhất định nhưng khó có thể thúc đẩy tăng trưởng nhờ xuất khẩu đối với các nước nghèo.
 

Phương Linh
Theo FT