Tạp chí tài chính
Thúc đẩy thị trường trái phiếu, khơi vốn cho doanh nghiệp
Quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là, xây dựng phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính, trong đó có thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ- tín dụng ngân hàng.
Phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hiện đại hóa hạ tầng thị trường, đưa thị trường trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế với chi phí vốn hợp lý.
Đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, góp phần tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp. Tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các các chủ thể tham gia thị trường.
Bộ Tài chính đang có dự thảo lấy ý kiến các bộ ngành chức năng, thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp; và Ngân hàng Nhà nước có dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.
Qua công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã có đánh giá tổng kết, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Thông tư số 22, cũng có nhiều vấn đề phát sinh cần xem xét lại.
Theo đó, có nhiều tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Hoạt động mua trái phiếu của doanh nghiệp nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực có rủi ro cao, như kinh doanh bất động sản, chứng khoán… sẽ phát sinh rủi ro cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước có dự thảo sửa đổi Thông tư nói trên, đã có nhiều dư luận trái chiều xung quanh việc bổ sung Khoản 6 Điều 3 “Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp”.
Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chủ động hội nhập sâu thị trường quốc tế. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên tinh thần của Chính phủ kiến tạo và từng bước tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; nhằm phát triển thị trường trái phiếu ổn định, đồng bộ các yếu tố cung-cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả.
Trên tinh thần đó, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và tăng cường tính công khai minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu trên thị trường.
1. Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, theo số lượng thống kê hiện nay, các tổ chức tín dụng đầu tư khoảng 75% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Do vậy, thay vì cấm hoàn toàn việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ yêu cầu phải minh bạch thông tin trong hoạt động của các tổ chức phát hành; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau đầu tư của doanh nghiệp.
Đối với việc các tổ chức tín dụng khi mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, bắt buộc phải được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoạt động theo Nghị định Chính phủ số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014, đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho các tổ chức phát hành.
Thực hiện việc này, sẽ đồng thời đạt hai mục tiêu là, vừa đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả có cơ hội được phát hành trái phiếu nhằm tái cơ cấu lại các khoản vay lớn trong thời kỳ khủng khoảng kinh tế trước đây với lãi suất cao; vừa ngăn chặn hiệu quả các rủi ro tiềm ẩn rất lớn nói trên.
Chỉ số bậc xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ, còn là cơ sở để các tổ chức tín dụng tham khảo, từ đó có kế hoạch lập phương án trích lập dự phòng một cách chủ động và chính xác hơn.
2. Từng bước thực hiện các chính sách quản lý theo thông lệ và chuẩn mực của quốc tế, ngoài việc các tổ chức tín dụng cần có những quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này phù hợp với tình hình đánh giá của các tổ chức tín dụng theo từng thời kỳ, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao nhằm kịp thời phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cần có quy định bắt buộc các tổ chức tín dụng, chỉ được phép tham gia đầu tư mua trái phiếu của các tổ chức phát hành, trong trường hợp có kết quả xếp hạng tín nhiệm cao.
Thực hiện điều này, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các thị trường bất động sản, chứng khoán phù hợp với yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế; đồng thời từng bước đưa các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có nhiều tiềm ẩn rủi ro cao, theo hướng tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, để các chính sách quản lý nhà nước có tính khả thi và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của thị trường trái phiếu hiện nay, thì rất cần nhiều giải pháp đồng bộ về chính sách và lộ trình thực hiện phù hợp.
*Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Công ty PHATTHINH GROUP