Thúc đẩy startup, Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc và Đài Loan?
Trong 2 năm qua, Quynh-Huong Duong đã nhìn lên tòa tháp Bitexco ở trung tâm TPHCM không biết bao nhiêu lần mà kể. Tuy nhiên, nữ doanh nhân Việt kiều Pháp này cho biết cô vẫn chưa hết ngỡ ngàng về sự hiện diện tòa nhà cao 262m này: “Nếu bạn từng được thấy cảnh TPHCM cách đây 10 năm, thì bây giờ khi nhìn lại bạn cũng sẽ thấy đầy bất ngờ”.
Năm 2014, Quynh-Huong đã di chuyển từ Paris tới TPHCM để thành lập dịch vụ đặt địa điểm trực tuyến mang tên GetSpaces. Theo thông tin gần đây nhất thì GetSpaces đã có một danh sách hơn 200 địa điểm ở khắp TP.HCM, bao gồm khách sạn, văn phòng, nhà hàng,...
Đầu năm 2000, ngành công nghệ Việt Nam còn ở giai đoạn rất sơ khai. Đến ngày hôm nay thì Việt Nam đã có tới gần 14.000 công ty hoạt động trong đủ các lĩnh vực phần cứng, phần mềm, nội dung số... Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu smartphone đã đạt 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhờ vào các khoản đầu tư khổng lồ từ LG, Microsoft và đặc biệt là Samsung.
Không thiếu cơ hội lớn
Tạp chí kinh doanh In The Black của Úc đánh giá rằng Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn với tăng trưởng GDP đang ở mức ổn định hơn 6% / năm. Theo đó, nếu Việt Nam có thể phát huy được hết khả năng sáng tạo của một lực lượng dân số trẻ đông đảo và được giáo dục tốt, nước này sẽ có thể đi theo con đường phát triển của Hàn Quốc và Đài Loan.
Việt Nam có mức GDP bình quân đầu người chỉ hơn 2.000 USD, thấp nhất trong số các nước tham gia kỳ thi sát hạch chất lượng giao dục quốc tế PISA. Tuy nhiên, kết quả kỳ thi này cho thấy học sinh Việt Nam có trình độ toán học cao hơn tới 3 lớp so với những học sinh cùng tuổi ở các nước thu nhập thấp khác, và ngang ngửa với những nước như Phần Lan hay Thụy Sĩ. Theo Ngân hàng Thế giới thì “hiệu ứng Việt Nam” vẫn còn là bí ẩn và chưa được giải thích trọn vẹn, nhưng họ cho rằng có một số nguyên nhân cụ thể như việc chính phủ Việt Nam đầu tư khá nhiều cho giáo dục so với các nước tương đương, và học sinh Việt Nam tương đối siêng năng và kỷ luật.
Những tác động tích cực từ nước ngoài cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Gần đây, ngân hàng Standard Chartered đã khảo sát gần 300 doanh nghiệp sản xuất tại vùng đồng bằng sông Châu Giang của Trung Quốc, vốn là nơi có những trung tâm công nghệ lớn như Thâm Quyến và Quảng Châu. 17% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ muốn chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, và Việt Nam được xem là lựa chọn số 1. Trong năm 2015, Việt Nam thu hút tổng cộng 14,5 tỷ USD vốn FDI, và trong 7 tháng đầu năm thì con số này đạt 8,55 tỷ USD.
Nhà kinh tế Rajiv Biswas của IHS Markit nhận định: “Với chi phí lao động tại Trung Quốc gia tăng mạnh từ năm 2010 tới nay, Việt Nam sẽ ngày càng có thêm ưu thế cạnh tranh nhờ giá nhân công thấp. Một quốc gia có mức lương tối thiểu chỉ ở khoảng 150 USD / tháng sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động có hiệu quả cao về mặt chi phí”. Không chỉ vậy, các công ty như Samsung, Intel, LG và HP còn đang đầu tư vào Việt Nam cho các hoạt động cần nhiều chất xám như phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu và nghiên cứu công nghệ mới.
Tỷ lệ rất lớn người Việt tiếp cận thường xuyên với công nghệ cũng là một ưu thế không thể bỏ qua. Eddie Thai, đại diện quỹ đầu tư 500 Startups tại Việt Nam, nhận xét: “Với 45 triệu người dùng internet và 30 triệu người dùng smartphone, dân số Việt Nam ngày càng được kết nối nhiều hơn. Càng lúc càng có thêm nhiều công ty công nghệ nhận ra tiềm năng của thị trường này”. Gần đây khi ghé thăm Việt Nam, giám đốc Bill Aulet của trung tâm khởi nghiệp Martin Trust Center tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cũng nhận định: “Nơi đây có nhiều cơ hội không thể tin được”.
Nhà lập trình game Nguyễn Hà Đông bắt tay với CEO Sundar Pichai của Google tại Hà Nội. Ảnh: dtinews.vn |
Theo dự báo từ tập đoàn viễn thông Ericsson của Thụy Điển, số thuê bao smartphone tại Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới, từ 30 triệu trong năm 2015 lên tới 90 triệu vào năm 2021. Còn theo mục tiêu của chính phủ, tổng doanh thu thương mại điện tử sẽ tăng từ 4 tỷ USD trong năm 2015 lên tới 10 tỷ trong năm 2020.
Với tiềm năng tăng trưởng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi giới trẻ Việt Nam ngày càng hào hứng với chuyện khởi nghiệp. Theo ước tính, số công ty startup chuyên về công nghệ ở Việt Nam hiện này là khoảng 1.500 công ty. Binh Tran, đồng đại diện của 500 Startups Vietnam, nhận xét: “Nhu cầu tìm vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital – VC) đang rất lớn, và ngày càng tăng mạnh hơn. Xu hướng startup toàn cầu, các cơ hội mới ở Việt Nam, nguồn cung nhân lực công nghệ dồi dào và chi phí khởi nghiệp tương đối thấp đều là những nhân tố tích cực”. Eddie Thai cho biết thêm: “Chúng tôi đã đầu tư vào hơn 10 công ty Việt Nam trong vòng 12 tháng qua, và đang muốn tăng tốc nhanh hơn”.
Giám đốc điều hành Jeffrey Paine của quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, vốn đang hoạt động tại Mỹ và Singapore, cho biết ông đã theo dõi Việt Nam kể từ năm 2012 và đã có 4 thương vụ tại đây. Paine cho biết: “Chúng tôi rất thích sự năng động của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, và sự phát triển bùng nổ về việc sử dụng smartphone và tương tác người dùng”.
Những thử thách phía trước
Tuy nhiên, vẫn có một sự thật đáng ngại là trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ thì Việt Nam phải dựa vào vốn đầu tư từ các tay chơi lớn của nước ngoài như Samsung và Intel. Điều này có nghĩa là hầu hết các mặt hàng công nghệ mà Việt Nam xuất khẩu đều có mức giá trị gia tăng gần như bằng 0. Ralf Matthaes, giám đốc của hãng tư vấn Infocus Mekong Research tại TPHCM, nhận định: “Hầu hết các sản phẩm công nghệ được sản xuất tại Việt Nam đều không được thúc đẩy bởi các hoạt động marketing. Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới trong việc sáng tạo và tạo tầm ảnh hưởng toàn cầu về mặt thương hiệu”.
Tương tự như trường hợp Trung Quốc trước đây, việc sáng tạo ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn ở giai đoạn đầu: áp dụng và bản địa hóa các mô hình kinh doanh nước ngoài. Binh Tran khuyên: “Nếu bạn muốn có một sáng tạo kỹ thuật làm thay đổi hoàn toàn luật chơi, bạn nên tìm đến Silicon Valley. Sáng tạo ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là tìm cách áp dụng các kỹ thuật và mô hình kinh doanh có sẵn vào một thị trường mới nổi còn khá phức tạp và nhiều luật lệ”.
Việc phát triển các khu công nghệ cao đang được xem là một chính sách mũi nhọn. Theo số liệu chính thức, khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Hà Nội đã thu hút được 2,47 tỷ USD vốn đầu tư, còn khu công nghệ cao TPHCM thu hút được 4,3 tỷ USD. Gần đây, một dự án tư nhân mang tên Saigon Silicon City (SSC) với trị giá 40 triệu USD cũng vừa được khởi công tại khu công nghệ cao TPHCM. Theo người đứng đầu của SSC là ông Nguyễn Minh Hiếu, dự án này được kỳ vọng sẽ thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư trong vòng 5 năm tới, và sẽ có ngày cạnh tranh với Silicon Valley.
Tuy nhiên, Binh Tran tỏ ra thận trọng: “Bất kỳ dự án nuôi mong ước trở thành Silicon Valley tiếp theo đều đang tự đẩy mình đến thất bại”. Zennon Kapron, giám đốc công ty nghiên cứu Kapronasia, bình luận: “Sẽ thực tế hơn nếu SSC được quảng cáo là nơi để các công ty quốc tế đặt văn phòng khu vực”.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang gặp vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều công ty nước ngoài như Samsung và Intel đã chủ động giải quyết vấn đề bằng cách xây dựng các chương trình đào tạo riêng của mình.
Về mặt chính sách và pháp luật, cũng sẽ cần có thêm cải tổ để môi trường kinh doanh trở nên thuận lợi hơn cho các công ty khởi nghiệp. Paine nhận xét: “Chính phủ cần dọn đường cho các doanh nhân, và việc tạo ra một cơ chế pháp luật thông suốt sẽ khuyến khích vốn FDI đổ vào nhiều hơn”.
Mặc dù vậy, giới doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam vẫn không hề thiếu sự lạc quan. Quynh-Huong Duong cho biết: “Sẽ sớm tới ngày chúng ta được thấy một công ty khởi nghiệp của Việt Nam vươn ra toàn cầu, và tôi tin chắc vào điều đó”.
Tuấn Minh
Nguồn In The Black / Geektime