Thuận Thảo trượt chân
Không phải đợi đến bây giờ mà từ 4 năm qua, Công ty Cổ phần Thuận Thảo có dấu hiệu kinh doanh xuống dốc. Tuy nhiên, với những gì xảy ra gần đây thì cú trượt dài ở Thuận Thảo đã khó lòng cứu vãn.
Theo thông báo mới nhất, BIDV chi nhánh Phú Tài đã phát mãi các tài sản để trừ cho khoản nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Đây là công ty do bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch Thuận Thảo, lập ra để kinh doanh bất động sản ở Bình Chánh. Số nợ xấu lên tới khoảng 2.300 tỉ đồng, trong đó phần nợ gốc hơn 1.200 tỉ đồng, còn lại là lãi tính đến cuối năm 2017.
BIDV Phú Tài cũng là ngân hàng cho Thuận Thảo vay nhiều nhất. Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, đến cuối năm 2017, Thuận Thảo còn tổng nợ hơn 1.450 tỉ đồng. Đáng kể là các chi phí phải trả ngắn hạn (gần 611 tỉ đồng), các khoản vay nợ (hơn 660 tỉ đồng), thuế (124,5 tỉ đồng). Trong đó, riêng BIDV Phú Tài hào phóng với Thuận Thảo nhất khi cho vay hơn 230 tỉ đồng cả ngắn hạn, dài hạn.
Với tình trạng nợ nần này, Thuận Thảo đang phải gồng mình trả lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Trong khi nguồn thu từ kinh doanh của Thuận Thảo những năm gần đây liên tục sa sút, chỉ còn vài chục tỉ đồng. Điển hình năm 2017, doanh thu của Thuận Thảo giảm một nửa so với năm 2016, về dưới 50 tỉ đồng. Số tiền này còn không đủ trang trải cho các khoản chi phí. Vì thế, Thuận Thảo thua lỗ triền miên, với tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là 1.079 tỉ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Thuận Thảo bị âm vốn chủ sở hữu.
Với diễn biến trên, từ giữa năm 2016, cổ phiếu GTT của Thuận Thảo đã bị hủy niêm yết bắt buộc và sau đó chuyển sang sàn UPCoM. Hiện giá cổ phiếu GTT đã giảm về còn 400 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trên thị trường chứng khoán.
Những ai từng biết đến Thuận Thảo đã không khỏi ngậm ngùi cho cú ngã ngựa của doanh nghiệp một thời đình đám này. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư dõi theo Thuận Thảo từ lâu, đây là kết cục phần nào đã được nhìn thấy trước.
Tiền thân của Thuận Thảo là đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho các công ty trong và ngoài nước. Đến năm 1997, vợ chồng bà Võ Thị Thanh mới chuyển đổi lên thành Công ty Vận tải và Thương mại Thuận Thảo. Thuận Thảo từng nổi bật khi là đơn vị tư nhân đầu tiên dấn bước vào lĩnh vực siêu thị. Công ty cũng đình đám trong mảng vận tải. Phú Yên đã coi Thuận Thảo là điển hình làm ăn tiêu biểu, là doanh nghiệp tiên phong của tỉnh. Thuận Thảo muốn vươn vai như thế nào, phía Phú Yên cũng tạo điều kiện hỗ trợ.
Đây có lẽ là lý do người ta thấy, chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 2003-2010, Thuận Thảo đã liên tục mở rộng phạm vi ngành nghề kinh doanh. Đầu năm 2004, Thuận Thảo xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất nước tinh khiết mang nhãn hiệu Suga. Cuối năm 2004, Thuận Thảo dấn bước vào lĩnh vực du lịch - giải trí với việc khởi xây Trung tâm Giải trí và Sinh thái Thuận Thảo.
Sang năm 2007, Công ty khánh thành Trung tâm Hội nghị-Triển lãm và dịch vụ Du lịch Thuận Thảo. Những năm sau đó, Thuận Thảo tìm cách mở rộng diện tích và nâng cấp, bổ sung thêm nhiều dịch vụ trong chuỗi kinh doanh đa ngành. Cuối năm 2008, Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo có diện tích lên tới 30ha, là công viên vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Phú Yên.
Cũng trong năm 2008, Thuận Thảo lấn sân sang mảng bất động sản khi khởi xây khu resort cao cấp với nhiều hạng mục trên diện tích 10ha. Năm 2009, doanh nghiệp này khánh thành khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất ở Phú Yên là Cendeluxe, cao 17 tầng.
Những khoản đầu tư của Thuận Thảo đầy táo bạo cho thấy tham vọng rất lớn của công ty này ở Phú Yên. Năm 2010, Thuận Thảo lên sàn cho mục đích huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, tính toán của Thuận Thảo đã không được như ý nguyện. Kể từ khi lên sàn đến nay, Công ty chỉ một lần duy nhất huy động được 145 tỉ đồng, thông qua chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư hiện hữu. Trong khi đó, Thuận Thảo cần vốn cho đẩy mạnh đầu tư các dự án bất động sản, khách sạn, khu giải trí... Thuận Thảo đành vay ngắn hạn để tài trợ cho các dự án dài hạn. Cách thức này từng được một số công ty lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Gỗ Trường Thành... áp dụng. Tất cả đều đã phải trả giá cho chiến lược này, theo những mức độ khác nhau.
Thuận Thảo có vẻ như đang trả giá nặng nề hơn do đã nhảy vào bất động sản sai thời điểm. Những năm 2011-2012 là thời kỳ thị trường bất động sản sa lầy và Thuận Thảo bị mắc kẹt vào đó. Cụ thể năm 2011, Thuận Thảo lập Thuận Thảo Nam Sài Gòn và chuyển cho công ty này số tiền 400 tỉ đồng để đầu tư triển khai các dự án bất động sản ở Bình Chánh. Mãi đến nay, đó vẫn là khoản nợ khó đòi. Thuận Thảo đành phải trích lập dự phòng và kinh doanh của Thuận Thảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ở các dự án bất động sản, resort, khách sạn, khu vui chơi..., muốn thu hút thêm khách, Công ty phải nâng cấp thêm nhiều hạng mục. Nhưng Thuận Thảo lại không xoay được tiền cho các hoạt động tu bổ, sửa chữa. Vì thế, các điểm kinh doanh của Thuận Thảo trở nên kém hấp dẫn và doanh thu ngày càng sụt giảm. Riêng mảng kinh doanh vận tải của Thuận Thảo giờ đã bị nhiều hãng như Phương Trang, Thành Bưởi… cạnh tranh mạnh mẽ. Tháng 4.2016, Thuận Thảo quyết định dừng kinh doanh mảng này.
Để tạo chuyến biến tích cực hơn, lãnh đạo Thuận Thảo từng bày tỏ quyết tâm sẽ tái cấu trúc tài chính theo hướng làm việc với nhà đầu tư, công ty mua bán nợ, nhằm thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án, xử lý các tài sản thế chấp, để giải quyết các vấn đề nợ nần và có thêm vốn cho nâng cấp các dịch vụ. Tuy nhiên, cho đến nay, khi nhìn vào bảng lưu chuyển tiền tệ, Thuận Thảo vẫn chưa thu xếp được tài chính như mong muốn. Tiền và tương đương tiền của Thuận Thảo cuối năm 2017 chỉ còn 89 triệu đồng. Trong quá khứ, Thủy sản Bình An, Thủy sản Phương Nam từng rơi vào bế tắc vì nợ nần như Thuận Thảo. Nhưng nhờ được ngân hàng ra tay giải cứu, các đơn vị này đã có thể hồi sinh.
Giới đầu tư hy vọng đến một kịch bản tương tự cho Thuận Thảo. Tuy nhiên, nếu như Thủy sản An Bình, Thủy sản Phương Nam có thể vượt qua khó khăn nhờ vực dậy các lợi thế từ nền tảng kinh doanh cốt lõi, thì ở Thuận Thảo, các mảng dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn... lại là bước mở rộng sau này của Công ty.
Đặc biệt, nói như ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB, ngân hàng tham gia giải cứu cho Thủy sản Bình An, từng nhấn mạnh: “Cái khó nhất để vực dậy một doanh nghiệp và đem lại hiệu quả trong hoạt động chính là con người”. Tuy nhiên, chất lượng ban lãnh đạo ở Thuận Thảo hiện là dấu hỏi lớn, nhất là khi nhìn vào bức tranh thua lỗ, trì trệ ở Thuận Thảo đã kéo dài khá lâu