Thừa tiền, ngân hàng tăng cường mua trái phiếu
Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, riêng trong tháng 2, hơn 25.000 tỷ đồng đã được huy động thành công sau 7 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, còn có 23.000 tỷ đồng huy động thành công qua Kho bạc Nhà nước; hơn 2.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Tính riêng trên thị trường sơ cấp, theo HNX, lượng trái phiếu huy động tăng 15,9% so với tháng một. Như mọi khi, thành viên chủ chốt và chiếm hầu hết thị trường trái phiếu vẫn là các ngân hàng.
Đầu năm thường là thời điểm các ngân hàng dồn nhiều tiền vào trái phiếu trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng âm, lượng tiền gửi dồi dào. Nhờ đông khách mua, lãi suất trái phiếu Chính phủ vì thế cũng giảm mạnh. Ở kỳ hạn 2 năm, lãi suất thấp nhất chỉ 6,15%, cao nhất cũng chưa đến 7% một năm, thấp hơn trần lãi suất huy động hiện nay. Theo lãnh đạo một ngân hàng, lãi suất trái phiếu kỳ hạn một năm thậm chí còn thấp hơn nữa.
Một số ngân hàng đã bán nợ xấu cho Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC) trong năm 2013 đã rục rịch xin tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt. Trao đổi với VnExpress.net, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đã chuyển khá nhiều nợ xấu cho VAMC cho biết, đơn vị này đã nộp hồ sơ xin tái cấp vốn từ cuối năm 2013. Theo ông, nếu nhận được nguồn vốn này, ngân hàng sẽ có thêm tiền để đầu tư và một trong những "đích" ông nhắm tới là mua thêm trái phiếu.
Ngoài đơn vị này, nhiều ngân hàng khác cũng đã nộp hồ sơ xin tái cấp vốn nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, hiện có một số ngân hàng muốn vay tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt nhưng Ngân hàng Nhà nước đang giao cho các cơ quan thẩm định và xem xét nên chưa duyệt bất cứ khoản vay nào.
Theo quy định, sau khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng được nhận lại trái phiếu đặc biệt. Với loại trái phiếu này, các nhà băng có thể vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ chiết khấu cao nhất là 70%. Tùy vào mục đích cung tiền và chính sách của từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định và phân bổ nguồn vốn cho các nhà băng.
Trái phiếu đắt khách được các ngân hàng lý giải do hệ thống đang dư dả vốn. Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối của Ngân hàng Quốc tế (VIB) - cho biết, thông thường, đầu năm tín dụng tăng trưởng khó, lượng tiền gửi lại dư dả, chưa kể nhiều khoản tiền trước đây mua trái phiếu, tín phiếu đến ngày đáo hạn nên dòng tiền đang quay trở lại hệ thống ngân hàng khá nhiều.
Lãnh đạo phòng kinh doanh vốn và ngoại tệ của một ngân hàng cũng chia sẻ, năm nay cũng như năm 2013, tầm 3-4 tháng đầu năm các tổ chức tín dụng mua nhiều chứng khoán nợ. Riêng lượng trái phiếu đến ngày đáo hạn đợt đầu năm 2014 theo ông ước tính có thể khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng. "Vì vậy, một phần do thừa tiền nhưng một phần các ngân hàng cũng không có giải pháp nào ngoài tiếp tục gom một lượng trái phiếu, tín phiếu nhất định để bù đắp những khoản đáo hạn này", ông nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trên toàn hệ thống đến 20/2 vẫn tăng trưởng âm 1,66%. Do đó, theo các nhà băng, sang tháng 3, tín dụng có thể sẽ nhúc nhích một chút nhưng chưa thực sự khởi sắc. "Đầu năm, các ngân hàng chắc vẫn phải trông chờ nhiều từ nguồn thu nhập của đầu tư chứng khoán nợ như trái phiếu, tín phiếu và mảng dịch vụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện rất ít ngân hàng có lãi lớn từ dịch vụ", tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2014 cho biết.
Nguồn VnExpress