Thừa Thiên Huế cần chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ cho dệt may
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị bên cạnh việc tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp hiện có, Thừa Thiên Huế cần kêu gọi xúc tiến các dự án có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng công nghệ cao; tăng dần tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may với mục tiêu hướng đến vị trí trung tâm dệt may của cả nước. Đồng thời, cần quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; đào tạo nguồn lực cho các ngành công nghiệp, thương mại...
Tỉnh cũng nhanh chóng tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại cho phù hợp với tình hình mới, nhất là quy hoạch điện, thủy điện. Nhiệm vụ trước mắt là thực hiện tốt công tác bình ổn giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên thị trường, kết hợp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường trước, trong và sau Tết, đảm bảo cho người dân có Tết ấm cúng, an toàn và tiết kiệm.
Thừa Thiên-Huế là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Kinh tế tỉnh liên tục tăng trưởng với tốc độ khá tốt.
Tại buổi làm việc, Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2012, sản xuất công nghiệp của tỉnh có chuyển biến tích cực: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 109,5%; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) đạt 8.276,2 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước.
Trên địa bàn tỉnh có các dự án lớn hoàn thành, và đưa vào vận hành là: Thủy điện A Lưới (công suất 170 MW); Nhà máy may trang phục của công ty TNHH Tokyo Style Việt Nam (công suất 500.000 sản phẩm/năm) và Nhà máy sản xuất Sợi Phú Mai giai đoạn I (công suất 17.000 cọc sợi). Ngoài ra, có 5 dự án lớn khác tại các khu công nghiệp của tỉnh sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2012 đạt 21.275,8 tỷ đồng, tăng 20,99% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn baodientu.chinhphu.vn