Thừa cung, giá hồ tiêu giảm sâu
Liên kết với nông dân sản xuất tiêu sạch, thường xuyên rà soát quy trình sản xuất, cắt giảm các khâu trung, các biện pháp được Nedspice Việt Nam áp dụng triệt để tại các vùng nguyên liệu của công ty này ở Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tổng Giám đốc Công ty Nedspice Việt Nam, ông Willem Van Walt Meijer, cho đây là giải pháp tốt nhất để giữ đơn hàng và thị trường xuất khẩu. Nhưng xét từ nguồn cung và nhu cầu thị trường, ông vẫn lo ngại giá hồ tiêu có thể sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn.
Giá vẫn giảm
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh, nhưng giảm về giá trị.
Xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 8.2018 ước đạt 20 nghìn tấn, với giá trị đạt 58 triệu USD, theo báo cáo mới nhất của ngành nông nghiệp. Lũy kế xuất khẩu hạt tiêu 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 173 nghìn tấn và 576 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng, nhưng đã giảm tới 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam năm 2018 tiếp tục là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Đức và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhưng xuất khẩu hồ tiêu đã khó hơn ngay cả khi giá chào bán tiêu đen, tiêu trắng của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm.
Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.329 USD/tấn, giảm tới 61,9% so với cùng kỳ năm 2017, do giá chào bán xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 8.2018, cùng chiều với xu hướng giảm chung của hạt tiêu thế giới.
Giá trị xuất khẩu tiêu đạt thấp đang tác động tới thị trường trong nước. Giá thu mua hạt tiêu trong tháng 8.2018 tiếp tục giảm sâu, chạm mức giá thành sản xuất, có thể làm nhiều hộ nông dân không còn lãi, thậm chí là bị lỗ.
Tính đến ngày 23.8/2018, giá thu mua hạt tiêu đen giao động ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng và giảm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước.
Quan ngại giá tiêu trên thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu, một số doanh nghiệp đã bất chấp giá tiêu thấp, tiếp tục bán ra, thậm chí có doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán trước cả năm 2018.
Khó phục hồi
Đã có nhiều dự báo thị trường được đưa ra. Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), ông Nguyễn Nam Hải, cho biết, chưa có dấu hiệu giá hồ tiêu phục hồi trong các tháng cuối năm 2018.
Hiện nhu cầu từ các nước nhập khẩu hồ tiêu vẫn ở mức thấp trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục được bổ sung, nhất là khi Indonesia, Malaysia, Brazil, Sri Lanka, đã thu hoạch vụ mới và Việt Nam được dự báo trúng mùa năm 2019.
Thị trường thế giới đang dư thừa hồ tiêu, nếu tính thêm 104.000 tấn tiêu tồn kho năm 2017 mang sang năm 2018, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC).
Theo VPA, tổng nhu cầu hồ tiêu trên thế giới chỉ vào khoảng 350.000 tấn/năm, nhưng tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu ước tính đã đạt tới 547.000 tấn, trong đó, Việt Nam cung ứng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62%.
Thống kê lượng, đơn giá bình quân và trị giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2013- 2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo Quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, cả nước đạt gần 110.000 ha hồ tiêu, cao gấp hơn 2 lần so với quy hoạch, trong đó các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm 93,5% diện tích hồ tiêu cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Quốc Doanh, tại phiên họp thường niên Nhóm công tác PPP hôm 16.8, cho rằng, phá vỡ quy hoạch, nguyên nhân chính dẫn đến thừa nguồn cung, làm giá giảm sâu.
Việc giá tiêu hồ liên tục tăng cao trong nhiều năm trước đây, có thời điểm tăng lên 230 ngàn đồng/kg. Các hộ nông dân khu vực Tây Nguyên đã bất chấp khuyến cáo, ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu với mong muốn có được lợi nhuận cao gấp 3, 4 lần so với trồng cà phê hay điều.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hồ tiêu, ông Doanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị các tỉnh có vùng nguyên liệu hồ tiêu rà soát lại quy hoạch và quản lý sản xuất hồ tiêu theo đúng kế hoạch của từng địa phương, từng vùng.
Thế nhưng, để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, theo ông Doanh, cần sớm có trung tâm nghiên cứu hồ tiêu. Việc nghiên cứu một cách bài bản về giống, cùng với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sẽ bảo đảm chất lượng hồ tiêu phục vụ cho xuất khẩu.