Thua cá rô ở Mỹ, Trung Quốc quay về với cá tra
Lại là cá tra
Công ty Thủy sản và thức ăn chăn nuôi Guangdong Evergreen Group, Trung Quốc, trung bình chế biến khoảng 7.000 tấn cá tra được nuôi tại Trung Quốc. Evergreen tự tin đầu tư sản xuất vì nguồn nuôi từ nước này đang tăng lên.
Nguyên nhân Evergreen tăng năng xuất cá tra vì nguy cơ cá rô phi sẽ bị cấm vào Mỹ. Trong khi, Evergreen là một trong những nhà xuất khẩu và chế biến cá rô phi lớn nhất Trung Quốc, với 4 nhà máy chế biến tại tỉnh Quảng Đông.
Mỗi năm, công ty này xuất khẩu 93,6 triệu USD sản phẩm phi-lê rô phi và cá rô phi nguyên con. Thị trường Mỹ chiếm 80% của Công ty này.
Tuy nhiên, giá cá rô phi trên thị trường thế giới bắt đầu giảm từ năm 2015 do giá nguyên liệu giảm. Hơn nữa, việc Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ đầu năm 2019 sẽ là một thảm họa vì Bắc Kinh gần như sẽ không thể xuất hàng sang thị trường này, đại diện Evergreen, cho biết.
Vì vậy, Trung Quốc đang nỗ lực để nuôi cá tra, diện tích nuôi ngày càng tăng. Cả ngành thủy sản Trung Quốc đều thấy rõ tác động của làn sóng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. “Nông dân bắt đầu nuôi cá tra để phục vụ nhu cầu trong nước. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển sản phẩm cá tra”, bà Ran Chunli, Giám đốc bộ phận thủy sản của Evergreen, chia sẻ.
Vài năm trở lại đây, khi thị trường Mỹ áp thuế lên cá tra, Trung Quốc chính là thị trường cứu cánh cho doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Trung Quốc-Hồng Kông vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra Việt Nam tính đến hết quý III/2018, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Đây là thị truờng nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam và đang là thị trường tiềm năng trong nhiều năm nữa. Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thuỷ sản Nam Việt từng tuyên bố đẩy mạnh thị trường Trung Quốc sau khi bị bít cửa vào Mỹ. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng đầu tư một công ty con tại Trung Quốc để đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này.
Theo đại diện của Evergreen, nông dân Trung Quốc đang đẩy mạnh nuôi cá tra nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây cũng được coi là giải pháp thay thế cho cá rô phi trong thời gian tới. Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư nuôi cá tra có ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam hay không?
Những hệ luỵ doanh nghiệp Việt
Cá tra là mặt hàng thủy sản được người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng, nên Evergreen bắt đầu chuyển sang mua cá tra nguyên liệu để chế biến từ những nông dân sử dụng thức ăn chăn nuôi và các dịch vụ khác do công ty cung cấp.
“Trước kia, việc nuôi trồng, chế biến cá rô phi phục vụ cho xuất khẩu. Hiện nay, cá tra được nuôi để phục vụ cho thị trường nội địa”, bà Ran Chunli, đại diện Công ty chia sẻ. Mặc dù mới chỉ phục vụ nhu cầu trong nước nhưng cũng ảnh hưởng đến Việt Nam. Khi đó, nguồn cung từ Việt Nam đến Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống.
Cụ thể, theo Vasep, 3 quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tuy tốc độ có chậm hơn so với năm trước. Từ nay cho tới cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông vẫn được dự báo tăng trưởng ổn định nhưng không tăng quá 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung quốc đang chậm lại. nhưng may mắn là thị trường Mỹ lại đang mở ra cơ hội xuất khẩu trở lại cho doanh nghiệp cá tra Việt.
Nếu mức thuế nhập khẩu cá rô phi Trung Quốc tăng cao hơn, trong những tháng cuối năm 2018, nhiều khả năng cá tra, basa sẽ giành thêm thị phần từ nguồn cung này", Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) nhận định.
Như vậy, với lệnh thuế 25%, cá rô phi Trung Quốc sẽ để lại “miếng bánh” lớn cho cá tra tại Việt tại thị trường Mỹ. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết Việt Nam không còn độc quyền như trước đây. Mặc dù Trung Quốc mới chỉ phục vụ nhu cầu trong nước nhưng Việt Nam sẽ mất thị phần ngay tại các thị trường đó.