Báo cáo tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngày 1.4, Bộ KH-ĐT cho biết bên cạnh kết quả tích cực lạm phát kiểm soát thấp (3 tháng tăng 0,8%), GDP đạt 4,96% nền kinh tế đang đối diện với tình trạng tắc nghẽn cục bộ vốn tín dụng và trái phiếu. Lãi suất vay dù giảm nhưng vẫn còn cao. Số liệu cho thấy, cả nước có 18.400 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.980 tỉ đồng, tăng 16,9% về số DN và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, có hơn 4.600 DN gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể vẫn còn cao: tổng số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động 16.750 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có khoảng 2.600 DN giải thể tăng 13,6%.
Các ngành mà DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao hơn theo Bộ KH-ĐT gồm: Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (thành lập mới tăng 2,6%, dừng hoạt động tăng 3,5%); xây dựng (tăng 5,9%, tăng 14,2%).
Sớm giải ngân vốn, cứu doanh nghiệp
Nguyên nhân khó khăn theo đánh giá của Chính phủ do dòng vốn đang bị tắc nghẽn. Thống đốc NHNNNguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng sau 2 tháng bị âm nay đã dương trở lại, tính đến 31.3 tăng 0,01% so với cuối năm ngoái. Ngoài ra, với “cú” cắt giảm khoảng 1% các lãi suất chủ chốt vừa qua, mặt bằng huy động lãi tiền gửi bình quân của các NH giảm từ 0,5 - 1%, kéo theo lãi suất cho vay giảm ở mức tương tự. Chưa hài lòng với con số này, Thủ tướng đánh giá mức 0,01% tăng tín dụng mới chỉ “đang ngoi lên mặt đất một tý”, điều đó cho thấy các DN vẫn đang rất khó khăn trong tiếp cận vốn. Lãi suất giảm, nhưng theo Thủ tướng mới chỉ ở các món vay mới, còn theo phản ánh lãi vay cũ vẫn còn 13%, 15% thậm chí 19%/năm.
Trước tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, NHNN xem xét cơ cấu lại các khoản nợ cũ cho DN khó khăn đang có triển vọng phát triển, phục hồi. “Anh Bình cố gắng đẩy tín dụng ra thêm. Đẩy ra ai vay, chính là DN họ vay, hộ kinh doanh vay. Nghiên cứu thêm các món vay trước đây lãi suất cao, cách tháo gỡ như thế nào đễ hỗ trợ, giúp đỡ DN”, Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc Nguyễn Văn Bình.