Thủ tướng tự tin tăng trưởng sẽ đạt 6,7% năm nay
Trả lời phỏng vấn Bloomberg Television hôm 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tự tin cho rằng tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu 6,7% mà không dẫn tới tăng lạm phát, dù tăng trưởng GDP trong quý I/2017 không cao (5,1%).
Việt Nam đang tiến hành các bước cải thiện nền kinh tế nhằm duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng đánh giá: "Các chỉ số kinh tế chính trong tháng 5 đều rất tốt với đà tăng mạnh trong xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và sản xuất nông nghiệp. Điều này đặt nền móng cho tăng trưởng nhanh hơn trong quý III và quý IV". Mục tiêu tăng trưởng 6,7% "là rất khó nhưng có thể", ông nói thêm.
Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ phải cân bằng các nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đồng thời đảm bảo lạm phát không vượt quá mục tiêu năm 2017 là 4%. "Chúng tôi sẽ phải kiềm chế lạm phát theo như mục tiêu đã cam kết với Quốc hội", ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngành du lịch dự kiến sẽ tăng trưởng 30%, xuất khẩu nông sản sẽ vượt qua con số 32 tỷ USD của năm ngoái, và xuất khẩu điện tử sẽ tăng, giúp khắc phục những cơn gió ngược mà Việt phải đối mặt trong quý I. Tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,1 % trong 3 tháng đầu năm 2017, sau khi Samsung Electronics cắt giảm sản xuất.
Sự cố Note 7
Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cho biết: "Tăng trưởng quý I chậm lại do một vài lý do. Thứ nhất là do giá dầu thô giảm. Lý do thứ hai là từ ngành công nghiệp điện tử. Chúng tôi đã phải chịu khoản thiệt hại xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD từ sự cố Samsung Galaxy Note 7".
Samsung đã góp phần biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất điện tử với 15 tỷ USD vốn đầu tư từ tập đoàn này và các công ty con, bao gồm cả nhà sản xuất pin Samsung SDI Co. Hiện tại, Samsung là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Samsung, các sản phẩm điện thoại di động và linh kiện chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái, tương đương gần 40 tỷ USD.
Chính phủ đang chuẩn bị các chiến lược để tăng tốc xuất khẩu cho hai sản phẩm chính là điện tử và nông nghiệp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Vốn FDI vào Việt Nam qua các năm. Ảnh: Bloomberg |
Thủ tướng nói: "Chúng tôi đã có những kế hoạch chi tiết để củng cố từng ngành công nghiệp, chi tiết đến từng sản phẩm, với những nghiên cứu kỹ lưỡng về các thị trường khác nhau để thúc đẩy xuất khẩu". Trong tháng 4, Thủ tướng đã kêu gọi tăng trưởng chậm lại trong quý I là "đáng lo ngại" và yêu cầu các bộ ngành phải tìm ra các giải pháp, theo một bài đăng trên trang web của chính phủ.
Đổi mới
Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành kí kết khoảng 16 hiệp định thương mại tự do. Xuất khẩu đã tăng lên mức kỷ lục 177 tỷ USD năm ngoái, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 42 tỷ USD - tăng hơn gấp đôi so với 5 năm trước.
Theo Thủ tướng cho biết, chính phủ cũng đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành ngân hàng với những cải cách mạnh mẽ hơn nhắm tới những ngân hàng kém hiệu quả. Thủ tướng nhắc lại kế hoạch bán lại các ngân hàng yếu kém: "Chúng tôi sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các ngân hàng này nếu có ai đó muốn mua".
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,21% trong năm 2016, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng hơn 6%, bất chấp sự suy thoái của khu vực. Việt Nam vẫn là một trong những nước có tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vì xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định dù thương mại toàn cầu đang chậm lại.
"Tôi khá lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Quỳnh Như
Nguồn Bloomberg