Thủ tướng trấn an nhà đầu tư quốc tế tại WEF
Đảm bảo an toàn tuyệt đối
Phát biểu trước hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài trong phiên Đối thoại với doanh nghiệp, một phiên được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á đang diễn ra ngày 22-5 tại Philippines, ông nói: "Chính phủ Việt Nam khẳng định hoàn toàn đủ khả năng và cam kết bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài đang công tác, làm ăn, sinh sống, học tập tại Việt Nam. Các bạn vững tin ở chúng tôi."
Trước giới kinh doanh tinh hoa của thế giới, Thủ tướng kể lại chuyện "cả dân tộc Việt Nam phẫn nộ", nhiều người dân đã biểu tình tuần hành tự phát phản đối việc Trung Quốc sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ, ngang ngược hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, trong số biểu tình đó có một số người vi phạm pháp luật, có hành động phá hoại tài sản của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài và của cả Việt Nam.
Ông khẳng định: "Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời, ngay trong đêm xảy ra. Những người vi phạm pháp luật đã bị nghiêm trị theo pháp luật. Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ kịp thời. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được bảo đảm vững chắc."
Đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường. Các doanh nghiệp đã cảm ơn và bày tỏ tin tưởng về sự kịp thời, kiên quyết và xử lý hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Cơ hội kinh doanh tiềm tàng
Tính đến tháng 4-2014, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đã đạt trên 16.300 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 240 tỉ đô la Mỹ.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có những cơ hội đầu tư kinh doanh rất tiềm tàng cho các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ nhất, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, hiện đang ở thời kỳ dân số vàng với khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực. Với quy mô dân số 90 triệu người, thu nhập và đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, sức mua của thị trường Việt Nam ngày càng tăng.
Thứ hai, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ quan trọng của tiểu vùng Mê Kông, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất.
Bên cạnh việc thực hiện các cam kết của WTO và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam đang tiến hành đàm phán đồng thời nhiều Hiệp định FTA với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc,.. (Hiệp định TPP, RCEP, Hiệp định FTA Việt Nam - EU…).
Với triển vọng hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do FTA giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế trên tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ đang tiến hành rà soát, sửa đổi hệ thống luật pháp, văn bản pháp lý nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như: sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Nghị định về mô hình đối tác công - tư (PPP)… Trong giai đoạn 2014-2015, Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa hơn 430 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả những tập đoàn, tổng công ty lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu 2011-2013, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế hiệu quả lạm phát, tăng trưởng đạt trung bình 5,6%/năm. Xuất khẩu tăng 22%/năm, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đáng chú ý, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 4-2014 đã đạt 53,1 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4-2011. Điều này cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp về sự phục hồi vững chắc của kinh tế Việt Nam.
Ông nói: "Với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi".
Nguy cơ xung đột
Trong phiên khai mạc Hội nghị WEF Đông Á 2014, với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Philippines Benigno Simeon Aquino, Phó tổng thống Myanmar Nyan Tun, Chủ tịch WEF Klaus Schwab bày tỏ sự quan ngại là nguy cơ bất ổn đang tăng lên, gây ảnh hưởng đến đầu tư, thương mại quốc tế.
Hiện nay, trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông.
Từ ngày 1-5-2014 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ để hạ đặt giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động này của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Nhắc lại hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm như trên, Thủ tướng nói tại phiên khai mạc: "Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới".
Ông khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ông nói: "Cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái này của Trung Quốc".
Ông cam kết: "Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và lạc quan về tương lai hợp tác phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Bên lề WEF Đông Á 2014, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp Chủ tịch WEF và một số lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm tới các cơ hội kinh doanh-đầu tư tại Việt Nam.
Cũng trong ngày 22-5, Thủ tướng đã tiếp Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Philippines để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong đó có hợp tác giữa quốc hội hai nước.