Thủ tướng: “Tái cơ cấu ngay bộ máy của Bộ Công Thương”
“Người thì đông, đi vào rồi lại đi ra, làm việc không có hiệu quả thì làm sao phát triển được. Chúng ta cứ nói tái cơ cấu toàn ngành nhưng ngay trong bộ máy của Bộ Công Thương cũng còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt và ảnh hưởng đến uy tín ngành”.
Đánh giá trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, chiều 12/7.
Tại hội nghị, bên cạnh việc biểu dương một số thành tích đạt được trong công tác quản lý, điều tiết thị trường, kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu…Thủ tướng thẳng thắn kiểm điểm một số hạn chế của Bộ Công Thương, đặc biệt là trong công tác quản lý bộ máy nhân sự, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp còn quá chậm.
Thách thức mà Thủ tướng chỉ ra đối với ngành công thương thời gian tới là thể chế, cơ chế quản lý còn chưa theo kịp thực tiễn; cơ chế quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế. Chiến lược phát triển của ngành chưa hiệu quả, chưa tạo động lực cần thiết để khu vực tham gia. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI yếu, chưa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, điều khiến Thủ tướng quan ngại nhất là sự cồng kềnh của bộ máy, nhân sự ngay trong chính Bộ Công Thương.
“Bộ Công Thương hiện có đến 30 vụ, cục và khoảng 10 viện trực thuộc chưa kể các viện thuộc các tập đoàn, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty, hàng vạn lao động. Do đó phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đánh giá về vai trò, nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Thủ tướng lưu ý, phải làm sao để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không đổi mới, sáng tạo thì sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần gia công.
Cùng với phát triển kinh tế, phải kiên quyết bảo vệ môi trường, gồm môi trường tự nhiên và xã hội, môi trường cạnh tranh, đặc biệt là môi trường sống của người dân. Phải coi vụ việc Formosa là bài học về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Tuyệt đối không thể phát triển với bất cứ giá nào.
Nói về vai trò tổ chức thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, Thủ tướng cũng chưa hài lòng với những gì đạt được.
“Chúng ta chưa khai thác được các cơ hội và đang có sự lầm tưởng. Sau hiệp định với WTO, chúng ta thở phào nhưng vấn đề là tổ chức như thế nào thì thực tế làm chưa tốt, nhận thức và hành động còn nhiều bất cập. Từ đó, cơ chế chính sách còn chậm, chưa phát huy ưu đãi chính sách. FTA chắc chắn mang lại cơ hội quốc tế nhưng phải đi cùng cải cách về thể chế, chính sách”, Thủ tướng nói.
Đáp lại những chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho hay, tới đây Bộ sẽ tập trung rà soát để bổ sung, điều chỉnh các quy định về công tác cán bộ, nhất là các vấn đề về quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, có trình độ, có kỷ cương, lấy nhân dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và coi trọng tương tác với doanh nghiệp, người dân.
Bộ sẽ tiếp tục rà soát và tập hợp các vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành để tiếp tục đưa ra các đề xuất thuận lợi hóa trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi các Luật về đầu tư kinh doanh.
“Chúng tôi sẽ tập trung rà soát, gỡ bỏ ngay các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, bảo đảm tháo gỡ khó khăn, khơi dậy năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Nguồn VnEconomy