Văn phòng Chính phủ
Thủ tướng "sốc lại" ngành kế hoạch và đầu tư
Phải phát triển bền vững, không để lạm phát phá vỡ kinh tế vĩ mô như đã mắc phải cách đây không lâu; phải thực hiện tam giác phát triển: kinh tế, xã hội, môi trường… là những vấn đề Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Kế hoạch và Đầu tư, chiều 15.1, đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời.
Hiện, cả nước có tới 19.000 quy hoạch. Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nói đang có 4 cái khó trong triển khai các quy hoạch, đó là: tư duy, tài chính, nguồn lực và cách làm.
Những năm gần đây, khi triển khai một dự án, các cơ quan cấp dưới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải “đi hỏi” về sự phù hợp của quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực. Điều này, thực sự là bài toán khó, nhất là khi ngành A trả lời nhanh, ngành B trả lời sẽ nhanh, nhưng hành động mỗi lúc mỗi khác. Luật quy hoạch ra đời hy vọng sẽ khắc phục được hạn chế này.
Thêm nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý quy hoạch nhưng ai sẽ làm đồ án quy hoạch. TP.HCM mới đây đã phải hủy quy hoạch du lịch, do số liệu đã cũ, tư duy kém, cách thức triển khai không phù hợp, để thuê một công ty tư vấn người ngoài làm lại.
Ở đây có vấn đề tư duy của đơn vị làm quy hoạch. Nếu thuê công ty nước ngoài quy hoạch những dự án lớn sẽ có “quan ngại” về quy hoạch bị “dẫn dắt” theo quan điểm, hướng đi của họ. Điều này, đến nay chưa có phương pháp thay đổi.
Chưa hết, mỗi một đồ án có chi phí từ 800 triệu đồng đến 3-4 tỷ đồng, nhưng thực tế “tiền nào của ấy”. Những đồ án này hầu hết dựa trên các số liệu cũ, không phù hợp với thực tế phát triển. Thế nhưng, nếu thuê công ty nước ngoài, chi phí ở mức 5 triệu USD, khoảng 100 tỷ đồng cho mỗi một đồ án.
Việt Nam đã thông qua Luật Quy hoạch, nhưng cách thức làm quy hoạch một cách bài bản tới các cấp của ngành kế hoạch và đầu tư trên cả nước vẫn là một bài toán rất lớn. Ngành Kế hoạch và Đầu tư đang “rất lúng túng” trong việc xây dựng quy hoạch công nghiệp, tăng trưởng nội ngành, tăng trưởng xanh….
Thừa nhận “tầm rất thấp”, ông Sử Ngọc Anh cho biết, Sở Kế hoạch Đầu tư đã phải đề nghị UBND TP.HCM cho phép mời giáo sư, tiến sĩ các chuyên ngành kinh tế xã hội phản biện Báo cáo Kinh tế xã hội.
Hiện, UBND TP.HCM đang đặt trên bàn một đề án mô hình mô phỏng dự báo. "Chỉ khi nước ta làm được mô hình với số liệu tốt, mới có thể “đong đếm” được mức độ tác động tăng lương, tăng phí… tác động đến với quản lý nhà nước", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chia sẻ.
"Tăng trưởng năm 2017 đạt 6,81% có đóng góp lớn của ngành Kế hoạch và Đầu tư, nhưng trong quá trình tiếp tục đổi mới đất nước cần làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Trong kế hoạch toàn diện của đất nước, của địa phương, điều gì Nhà nước phải đặc biệt quan tâm? Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục đổi mới công tác thống kê, tổng hợp, phân tích dự báo, hoàn thành phương pháp tính GDP với tinh thần tính đúng, tính đủ quy mô khi mà người ta nói Việt Nam bỏ lọt GDP, không tính kinh tế phi chính thức, tới 30%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương hoàn thành các dự án luật được giao với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như phải thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết 01 để có kịch bản tăng trưởng cho quý I/2018 và các quý tiếp theo.
Thủ tướng chỉ rõ, Bộ và ngành Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, không phải là cơ quan chia tiền. Lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong Bộ và Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư toàn quốc phải xóa bỏ ngay tư duy chỉ quan tâm chú trọng chia vốn, phải tập trung nghiên cứu chính sách, tăng cường công tác phản biện chính sách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là các giấy phép con, cản trở doanh nghiệp phát triển lâu nay. Theo Thủ tướng, Bộ phát triển thể chế mà để người ta đến xin, đề nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết thì kế hoạch, đầu tư không thể phát triển được. Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tăng cường kiểm tra công vụ để hạn chế tối đa tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu và xử lý nghiêm vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu để bảo đảm công khai minh bạch, đừng để mang tiếng trong đấu thầu, thi công công trình dự án, không để xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ”. Ông cho đây là một tồn tại kéo dài, cần khắc phục hiệu quả. Xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng rút ruột công trình, thi công kém chất lượng, không bảo đảm an toàn hiệu quả.