Ảnh: VGP - Quang Hiếu
Thủ tướng: Quý I/2020, TP.HCM tăng trưởng 1,03% chứ không phải 0,42%
Sáng ngày 8.5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo TP.HCM qua hình thức họp trực tuyến.
Nhấn mạnh, tăng trưởng của TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng cả nước, Thủ tướng cho biết, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong quý I năm nay, Thành phố tăng trưởng 1,03% chứ không phải 0,42%. Như vậy, tăng trưởng quý 1 năm nay của cả nước cũng cao hơn 3,82%. Đây là thông tin đáng mừng đối với kinh tế đất nước.
Trong buổi làm việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng đối với nước ta, cả kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ. Với Thành phố hơn 10 triệu dân, Thủ tướng cho rằng, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao. Tuy vậy, Thành phố đã hết sức năng động, quyết liệt và rất thành công trong chống dịch.
Ngay trong khó khăn của thế giới, trong nước, Thành phố luôn năng động, sáng tạo, có nhiều mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, cho nên kinh tế Thành phố không bị đổ gãy. Cũng trong khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống “thành phố nghĩa tình”, tương thân tương ái với nhiều mô hình an sinh xã hội hiệu quả. Thành phố cũng là địa phương triển khai sớm nhất các gói hỗ trợ an sinh xã hội, phần lớn đối tượng khó khăn đã được quan tâm xử lý.
Đánh giá về mức độ đóng góp cụ thể của TP.HCM đối với kinh tế cả nước, Thủ tướng cho biết, kinh tế Thành phố chiếm 20-22% GDP, 25% ngân sách, 33% dịch vụ, 18,4% công nghiệp-xây dựng cả nước. Đóng góp lớn như vậy nên nếu kinh tế Thành phố suy giảm sâu thì cả nước sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Thủ tướng cho biết, theo số liệu thống kê của TP.HCM, kết thúc quý I, Thành phố chỉ tăng trưởng 0,42% so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng thì Thành phố tăng trưởng trên 1,03%. Như vậy, kinh tế nước ta không chỉ tăng trưởng 3,82% trong quý I mà con số còn cao hơn. Thủ tướng cho rằng, đây là thông tin vui đối với kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn chung của cả thế giới.
Thủ tướng cũng cho biết, đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán đầy đủ hơn về các yếu tố tính GDP, trong đó có việc chưa tính đầy đủ 3 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong quý I... Thủ tướng nhấn mạnh, phải tính lại chính xác các số liệu, không phải vì bệnh thành tích mà là đảm bảo tính trung thực.
Thủ tướng cũng đánh giá, mức tăng trưởng 1,03% của Thành phố chưa phải là cao, nhưng thu ngân sách nhà nước, cả nội địa và xuất nhập khẩu của Thành phố vẫn ổn định là một thành công.
TP.HCM được coi là vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì thế, trong cuộc tọa đàm với doanh nghiệp, chuyên gia để bàn cách khôi phục kinh tế đã kéo dài cả ngày 5.5 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM khẳng định, thách thức nào TP.HCM vẫn phải giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế. "Tôi đã ghi băng tất cả", ông Phong nói và khẳng định sẽ nghe lại tất cả những ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia để phân bổ cho các sở ngành giải quyết.
Cũng chính bởi áp lực "đầu tàu kinh tế", theo các chuyên gia, kinh tế TP.HCM càng bị ảnh hưởng mạnh bởi COVID-19. Tiến sĩ Trần Du Lịch nói "không bất ngờ" với kết quả GRDP và các chỉ tiêu quý I. Tổng sản phẩm (GRDP) của Thành phố quý đầu năm đạt trên 335.680 tỉ đồng, tăng 0,42% so với năm trước và là mức thấp nhất từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986) đến nay. Với một đầu tàu kinh tế như TP.HCM, đây là kết quả đáng thất vọng khi chênh lệch lớn so với tăng trưởng GDP cả nước (tăng 3,82%), bất kể có lý do lớn từ đại dịch COVID-19.
Ông lý giải, chính vì là cửa ngõ giao thương quan trọng bậc nhất nên mức tăng hoặc giảm bởi tác động bên ngoài mạnh hơn các địa phương khác. Điều này được chứng minh qua nhiều giai đoạn trong quá khứ như khủng hoàng tài chính năm 1997, Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực năm 2000.