Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Đề án đề ra những nhiệm vụ cụ thể. Doanh nghiệp vốn nhà nước phân loại theo 3 nhóm: Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục. Mỗi nhóm doanh nghiệp trên lại có những quyết sách cụ thể.
Đề án cũng xây dựng 6 giải pháp cụ thể. Trong đó có khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2015 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, xác định số lượng, danh sách cụ thể các DNNN nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác.
Đề án tái cơ cấu của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) trình Thủ tướng Chính phủ duyệt. Đề án tái cấu trúc các Tổng công ty, doanh nghiệp (do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập) trình Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt. Các đề án này phải duyệt trong quý III/2012.
Từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; Xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và năng lực trình độ quản lý; Xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp,..Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;...
Với các doanh nghiệp hoạt động không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, các Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật gồm: Xây dựng, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải sẽ rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại. Từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2012.
Đề án cũng tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đề án cũng quy định rõ trách nhiệm cụ thể của từng Bộ ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Chi tiết Quyết định 929
Nguồn VOV News/Bộ Tài chính