Thứ Tư | 27/03/2013 18:14

Thủ tướng: Phải tạo ra làn sóng thu hút FDI mới

Khó khăn của Việt Nam là hạ tầng, do vậy Thủ tướng khẳng định phải đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án PPP.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (27/3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào Việt Nam.

Theo Thủ tướng, để nâng cao sức cạnh tranh, tạo hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần phải cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, khắc phục yếu kém về hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sự quan trọng trong thu hút vốn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cần có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn với những dự án quy mô lớn, sức lan tỏa và tác động tích cực đến kinh tế xã hội.

Trong đó, đẩy mạnh thu hút vốn nước ngoài vào các dự án theo mô hình hợp tác theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) và phải bố trí nguồn vốn ngân sách để đối ứng cho các dự án này.

"Cái khó của chúng ta là cơ sở hạ tầng, Nghị quyết Đại hội Đảng cũng coi đây là đột phá chiến lược nhưng vốn đâu?" Thủ tướng nói. Do vậy, ông chỉ ra hình thức đầu tư PPP chính là quyết định. Tuy nhiên, việc gọi vốn cho các dự án PPP còn gặp nhiều khó khăn, bằng chứng là ra đời được 1 dự án PPP quá lâu. "Dự án đầu tư PPP làm cảng nước sâu Lạch Huyện phải mất tới 2 năm", Thủ tướng cho biết.

Để khắc phục trình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ nghiên cứu trình Chính phủ bố trí khoảng 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho việc tham gia vào vốn đối ứng trong các dự án PPP được chọn. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục hình thành quỹ hỗ trợ chuẩn bị dự án (PDF) nhằm hỗ trợ chuẩn bị các dự án PPP.

Mục tiêu là trong năm 2013 sẽ chọn được tối thiểu 5-10 dự án đầu tư thực hiện theo mô hình PPP, dự thảo Nghị quyết về các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài cho hay.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND Hải Phòng nhận định cơ sở hạ tầng là vấn đề quan trọng nhất để thu hút đầu tư hiện nay. Ông cho biết: Sau khi Thủ tướng dự lễ khởi công xây sân bay Cát Bi, đã có nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn thành lập nhà máy sản xuất điện thoại tại đây.

Tại Hội nghị, cũng có ý kiến cho rằng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khả quan. Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ tại Nhật Bản (quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam) cho biết, Việt Nam đang có cơ hội tốt để thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Đang có làn sóng các nhà đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam. Việc thủ tướng Abe chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau khi nhậm chức đã rất khích lệ nhà đầu tư Nhật Bản, vị này phát biểu.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Xuân Hưng, Việt Nam có cơ hội nhưng sự cạnh tranh cũng là rất lớn nếu không tận dụng được cơ hội đó, bởi hiện nay đầu tư của Nhật Bản tại Indonesia rất mạnh, hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay cũng đang tìm hiểu đầu tư vào Myanmar, Thái Lan, Malaysia.

Do đó, Đại sứ cho rằng cần những đổi mới thỏa đáng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để thu hút đầu tư. Đồng thời, mỗi địa phương cần có chiến lược xúc tiến đầu tư hợp lý, tránh làm tràn lan.

Năm qua có nhiều địa phương sang xúc tiến đầu tư tại Nhật bản, trong đó có những địa phương chưa chuẩn bị kỹ lưỡng khiến không thu được hiệu quả cao. "Việc này rất ái ngại", ông nói.

Đồng tình với ý kiến của Đại sứ Đào Quang Hưng, trưởng tiểu ban Công nghiệp phụ trợ phía Nhật Bản nhận xét, công nghiệp phụ trợ có tầm quan trọng lớn với Việt Nam, bởi ngành này mang theo rất nhiều công nghệ cao và kéo theo sự phát triển các ngành công nghệ cao khác.

Trước các ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu có giải pháp hướng dẫn các ưu đãi về thuế, ưu tiên dự án tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hoạt động xúc tiến đầu tư cần có trọng điểm. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thêm cơ chế ưu đãi đầu tư vào thị trường vốn, thị trường tài chính.

"Phải tạo ra sự cạnh tranh mạnh hơn, nếu không chúng ta mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài", Thủ tướng nói.

Nguồn Khampha


Sự kiện