Thủ tướng: Nợ công đã sát trần cho phép
Chiều nay (19/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề được quan tâm như tình hình kinh tế xã hội, nợ công, nợ xấu, thủ tục hành chính, năng suất lao động...
Về tình hình kinh tế xã hội tháng 10, 11/2014, Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế xã hội đã chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định phục hồi, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Dư nợ tín dụng tới tháng 11 tăng 10%, cả năm ước trên 12%. Mặt bằng lãi suất giảm từ 1,5 - 2% so với cuối năm 2013. Tỷ giá và ngoại hối tiếp tục ổn định. Xuất siêu ước đạt 2 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi...
Với những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng có cơ sở để đạt được những mục tiêu nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trình Quốc hội. Chính phủ nỗ lực ở mức cao nhất để đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2014. Tăng trưởng GDP năm 2014 dự kiến đạt trên 5,8%, lạm phát cả năm dưới 3%.
Về nợ công và cơ cấu ngân sách Nhà nước, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề được quan tâm. Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân của nợ công tăng cao là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu, kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Chi thường xuyên tăng mạnh, chi lương, tăng lương, quốc phòng an ninh cũng tăng. Trước thực trạng này, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chủ trương chủ động tăng vay trả nợ trong và ngoài nước, chú trọng vay trong nước.
Thủ tướng cũng lưu ý về quy định trần nợ công đến 2015 không quá 65%, quy định đến 2020 nợ công không quá 65% GDP.
Việt Nam đã là nước co thu nhập trung bình nên vay ODA với lãi suất thấp, thời gian dài giảm, Chính phủ đã tăng vay trong nước.
Mặc dù nợ công tăng nhanh từ 51,7% năm 2010 lên 63% vào cuối 2014 nhưng Thủ tưởng khẳng định vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép.
Thủ tướng cho biết đã tiến hành việc đảo nợ. Việc phát hành thành công 1 tỷ USD trên thị trường trái phiếu quốc tế ngày 7/11 với lãi suất 4,8% /năm đã giúp giảm đáng kể chi phí lãi vay và xác lập chuẩn lãi vay mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Việt Nam trên thị trường.
Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 2014 khoảng 25,9% trong đó có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu.
Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các ngân hàng để từ 2015 đảm bảo nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định là dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm.
Từng bước điều chỉnh thu chi ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh hơn, tập trung tăng tỷ trọng thu nội địa, triệt để tiết kiệm và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi thường xuyên và bố trí trả nợ.
Phấn đấu đến 2020, tỷ trọng chi nội địa chiếm khoảng 80% tổng thu, tỷ trọng chi đầu tư chiếm khoảng 25% - 30%, chi thường xuyên khoảng 50% - 55%, chi trả nợ khoảng 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước và bội chi khoảng 4% GDP.
Rà soát hoàn thiện thể chế sửa đổi bổ sung Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, chương trình quản lý nợ công trung hạn, đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả nợ công, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội.
Nợ công đến cuối 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến 2016 sẽ là 64,9% GDP, các năm sau đó giảm dần, đến 2020 còn 60,2% GDP còn trong giới hạn an toàn cho phép.
Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng hiệu quả sử dụng nợ công, tập trung cho đầu tư phát triển, thực hiện đúng quy định và kế hoạch đề ra, trả nợ đầy đủ và đúng hạn, quản lý chặt chẽ các khoản nợ khác, từng bước điều chỉnh thu chi ngân sách lành mạnh, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia....
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận nợ công đã sát trần cho phép, tình trạng tham nhũng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn, tỷ trọng thu ngân sách trên GDP giảm... gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.
Nguồn DVO