Báo đầu tư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi Mỹ tái tham gia TPP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn mở rộng một phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới các nước như Mỹ và các nước khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei và Financial Times, Thủ tướng Phúc cho biết " tất cả các nền kinh tế thành viên sẽ hưởng lợi" khi Mỹ tham gia vào hiệp định này. Ông cho biết điều này sẽ tạo ra một động lực lớn cho sự tăng trưởng "trong khu vực và trên thế giới".
Mặc dù từng giữ vai trò dẫn dắt các cuộc đàm phán TPP thời chính quyền Obama, Mỹ đã rút khỏi hiệp định dưới thời Tổng thống Donald Trump. 11 thành viên còn lại đã ký một hiệp định sửa đổi gọi là Hiệp định toàn diện và tiến bộ Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 8.3.
Thủ tướng Phúc cho biết "nếu Mỹ không tham gia, CPTPP vẫn sẽ tiếp tục và sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế thành viên”. Nhưng ông cũng hy vọng rằng tại Washington có thể tham gia vào hiệp định thương mại sau những hàm ý của ông Trump hồi cuối tháng 1 rằng, ông có thể "cân nhắc đàm phán" lai với các thành viên còn lại của TPP. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, bao gồm những hiệp định đang trong vòng đàm phán. Ông lưu ý rằng những thỏa thuận này đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam.
Thủ tướng Phúc cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực nhằm cải cách các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam mà ông coi là ưu tiên hàng đầu cho sự tăng trưởng liên tục. Ông cho biết mục đích là để các công ty này "đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp quốc tế vào năm 2030".
Thủ tướng đã trích dẫn việc bán cổ phần nhà nước trong các đợt chào bán công khai lần đầu ra công chúng (IPO) và cho các đối tác nước ngoài như một phần của nỗ lực này.
Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng GDP nhanh nhất trong năm qua ở Đông Nam Á là 6,81%. Thủ tướng Phúc cho biết kinh tế Việt Nam có thể chạm mức 7%, với "động lực tăng trưởng mới" từ lĩnh vực sản xuất và dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng.
Thủ tướng Phúc nói rằng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 1 triệu doanh nghiệp tư nhân và mức đóng góp của khu vực tư nhân sẽ tăng lên 50% từ mức 43% hiện nay.