Ảnh: TL
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Gói hỗ trợ tài khóa có thể tăng từ 30.000 tỷ đồng lên 150.000 tỷ đồng"
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11, với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên Thủ tướng cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng không chỉ dừng lại ở con số 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa.
Và gói tài khóa không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết, cần hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.
"Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khỏe nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khỏe của nhân dân", Thủ tướng nêu rõ.
Định hướng một số nhiệm vụ tới, Thủ tướng nêu rõ nhất quán tinh thần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, Chính phủ chú trọng giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi, sớm có kịch bản điều hành không để bị động; bảo đảm thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp;
Thủ tướng cũng chỉ đạo, kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu; đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu, miễn giảm chi phí hành chính để chia sẻ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19.
Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ Internet, viễn thông, giảm ít nhất việc thải hồi người lao động.