Thứ Sáu | 19/12/2014 08:59

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường đi dự GMS 5

GMS là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác tiểu vùng Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

Hôm nay (19/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, lên đường đi dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 (GMS 5) theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha.

Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác tiểu vùng Mekong, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

Mục tiêu dài hạn của chương trình là thúc đẩy, tạo điều kiện cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước trong khu vực, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.

Mục tiêu trước mắt là xúc tiến các hoạt động chung trong các lĩnh vực có khả năng nhất (hạ tầng cơ sở, thương mại đầu tư, du lịch, bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường thuận lợi phát triển hợp tác kinh tế lâu dài, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước trong tiểu vùng.

Sau 22 năm thành lập, GMS đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tính đến tháng 6/2014, GMS đã thực hiện được 75 dự án đầu tư với tổng chi phí khoảng 16 tỷ USD, trong đó có các dự án xây đường giao thông, cải tạo sân bay và đường sắt trong tiểu vùng, các dự án thủy điện để cung cấp điện xuyên biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch... GMS được các nước đánh giá cao về tính hiệu quả cũng như đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại tiểu vùng Mekong. 

Việt Nam đã tham gia tích cực hợp tác GMS kể từ ngày đầu sáng kiến này được đưa ra và cũng là nước được thụ hưởng nhiều từ sáng kiến hợp tác này. Tính đến tháng 6/2014, Việt Nam đã tham gia vào các dự án vay vốn GMS với tổng số vốn dự kiến khoảng 4,7 tỷ USD, bao gồm các dự án về giao thông, điện năng, y tế, môi trường, du lịch, nông nghiệp, phát triển đô thị dọc hành lang kinh tế…

Việt Nam đã tham gia khoảng 130 dự  án hỗ trợ kỹ thuật vùng (RETA), trong đó ADB và các đối tác phát triển khác hỗ trợ trên 120 triệu USD. Một số sáng kiến ưu tiên của tiểu vùng Việt Nam tham gia gồm: Hiệp định tạo thuận lợi giao thông qua biên giới (CBTA) các nước GMS; Nghiên cứu chiến lược ngành giao thông tiểu vùng; Xây dựng Khung chiến lược thúc đẩy thương mại và đầu tư; Diễn đàn Kinh doanh GMS; Nghiên cứu và kế hoạch tổng thể khu vực về liên kết điện năng trong GMS; Hiệp định giữa các quốc gia về thương mại điện năng khu vực, Hiệp định thương mại Điện năng khu vực; Xây dựng Chiến lược Năng lượng tiểu vùng Mekong; Phòng chống HIV/AIDS cho dân di cư tự do, Giáo dục phòng chống HIV/AIDS tại các khu vực vùng biên, và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm khu vực GMS; Nghiên cứu về xoá bỏ ma tuý trong GMS;...

Hiện Việt Nam là mắt xích quan trọng trong các hành lang giao thông GMS và là cửa ngõ cho các tuyến hành lang kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây, có vai trò trọng yếu trong việc thực hiện “Chiến lược năng lượng cạnh tranh, liên kết và cộng đồng” của GMS.

Đoàn Việt Nam tham dự GMS 5 thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế GMS; khẳng định vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng, thúc đẩy hợp tác khu vực và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng Mekong; thúc đẩy và tranh thủ các nội dung ưu tiên hợp tác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội, tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; củng cố quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan;…

Nguồn Chinhphu.vn