Thủ tướng nêu giải pháp để Việt Nam thoát bẫy thu nhập
Với trọng trách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã và sẽ có giải pháp gì để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nhà phân tích hoạch định chiến lược đang đặt ra?
Đây là chất vấn của của Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước. Ngày 27/1 vừa qua, Thủ tướng đã có văn bản hồi âm.
Chất vấn của đại biểu Hùng nêu, trong các kỳ họp ông và nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu lo ngại về bẫy thu nhập trung bình, cụ thể là mặc dù kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, tốc độ phát triển khá đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Song sự phát triển ấy còn phụ thuộc nhiều vào vốn vay trong khi nợ công đã tiếp cận với giới hạn cho phép, trong khi đó lợi thế của thời kỳ dân số vàng chưa được phát huy và tận dụng tốt và đang dần qua đi, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội còn thấp nên rất có khả năng Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong một vài thập niên tới.
Như vậy, chúng ta có thể bở lỡ một cơ hội chỉ có một không hai trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước mà lịch sử đã giao cho thế hế chúng ta hiện nay, đại biểu Hùng nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội sau 30 năm đổi mới toàn diện nền kinh tế và chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình từ năm 2009. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt khoảng 2.228 USD, Thủ tướng thông tin.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực còn khá lớn (GDP bình quân đầu người Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar, thấp hơn nhiều so với Singapore). Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào các yếu tố như vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động giá rẻ.
Hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Năng suất lao động Việt Nam dù liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn thấp, chỉ ở mức trung bình của khối ASEAN, Thủ tướng nhìn nhận.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trên cơ sở đánh giá thực trạng nền kinh tế, để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Theo đó, nhiệm vụ được tập trung đầu tiên là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược để tháo gỡ các nút thắt tăng trưởng. Tăng cường khả năng kết nối với thị trường các nước trong khu vực cả về thể chế kinh tế và kết cấu hạ tầng.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là những lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến chi phí, thời gian của doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Thứ hai, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào ba lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; nâng dần tỷ trọng đóng góp của công nghệ, vốn con người vào tăng trưởng; hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu quả của công tác quy hoạch; rà soát các sản phẩm chủ yếu để có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp; tập trung nguồn lực cho những ngành công nghiệp gắn với những thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dệt may và da giày... Việc phát triển những sản phẩm này còn góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.
Đồng thời khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường năng lực khoa học công nghệ nội sinh. Đổi mới phương thức phát triển, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những điểm yếu chung về tiếp cận vốn tín dụng, thông tin thị trường, kỹ thuật, hỗ trợ khởi nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả... là nhiệm vụ được nhấn mạnh.
Nhiệm vụ tiếp theo là tăng cường năng lực dự báo, quản lý rủi ro thị trường tài chính, quản lý các dòng vốn để ổn định kinh tế vĩ mô khi đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cuối cùng, Thủ tuớng nêu nhiệm vụ: thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế; nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững.
Nguồn VnEconomy