Thủ tướng: Mô hình chuỗi nông sản ở Tây Ninh sẽ lan tỏa
Trong khuôn khổ buổi làm việc tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nhà máy Tanifood do Công ty Cổ phần Lavifood đầu tư tại Quốc lộ 22B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Theo Thủ tướng, đây là mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ với sự liên kết 6 nhà theo thông điệp hướng đến nền nông nghiệp tỉ USD mà Chính phủ đưa ra trong thời gian gần đây. Trong chuỗi giá trị đó, yếu tố công nghệ cao, các mô hình sản xuất, các mô hình dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp, người nông dân được phát triển một cách đồng bộ và đầu tư chiều sâu, gắn với chuỗi giá trị trong nước cũng như thị trường quốc tế.
Theo Thủ tướng, Tanifood không chỉ là nhà máy có công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường, mà còn có dấu ấn là liên kết được 6 nhà, áp dụng được những phương thức quản lý, công nghệ thông tin hiện đại 4.0 vào nhà máy chế biến nông sản Việt Nam.
Nông nghiệp được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam, nhưng nhiều năm nay vẫn đang loay hoay tìm lối ra, vòng xoáy của “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. “Đất đai nông nghiệp thì có sẵn nhưng sản phẩm mới chỉ xuất tươi và thô. Sơ chế sản phẩm mới chỉ sử dụng được 50%, 50% lãnh phí. Nhà máy ở Tây Ninh dự kiến mở đầu cho chương trình các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu nông sản cho Việt Nam”, thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng dự kiến nếu lan tỏa được ở 63 nhà máy thì doanh thu mang lại có thể lên đến 22,5 tỉ USD. Những sản phẩm quan trọng với những như gạo, cho đến rau củ quả, tôm cá,…dược liệu,… sẽ giúp đưa nông nghiệp Việt đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 trong 10 năm tới.
Với tổng số vốn đầu tư 1.780 tỉ đồng, cụm nhà máy Tanifood sản xuất các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Nhà máy Tanifood dự kiến sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên vào cuối năm 2018.
Cụ thể, nhà máy Tanifood sẽ bao gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước Juice bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy Tetrapak 144 triệu hộp/năm.
Nhà máy cũng đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, góp phần tránh tình trạng nông dân được mùa mất giá, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng Gíam đốc công ty cổ phần Lavifood, đơn vị đầu tư nhà máy Tanifood cũng chia sẽ thêm mục tiêu của nhà máy Tanifood khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 là sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng như xoài, khóm, thanh long, mãng cầu, chuối… Hiện nay, các đơn hàng của các tập đoàn lớn đối với nhà máy Tanifood đã lên đến 200 triệu USD và đang có nhiều khách hàng lớn khác đạt hàng cho nhà máy.