Sáu tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%. Ảnh: Quý Hòa
Thủ tướng: Lạm phát, nếu không chỉ đạo chặt, sẽ có nhiều nguy cơ
Kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, vấn đề không mới nhưng là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu “tập trung thảo luận” tại Hội nghị toàn quốc về triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, hôm 2.7.
Một số thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương tỏ rõ quan ngại về áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm, cùng dư địa, nguồn lực cho tăng trưởng ngày càng hạn hẹp, đang là những thách thức lớn cho những tháng cuối năm.
Số liệu tại Hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%, nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Thu ngân sách nhà nước đạt khá, ước đạt 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ước đạt 42,6% dự toán năm.
Những yếu tố quan trọng này đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra.
Nền kinh tế đã qua nửa chặng đường của năm 2018 với những thành công nhất định song vẫn có những thách thức. “Lạm phát và tăng trưởng nếu không chỉ đạo chặt chẽ, sẽ có nhiều nguy cơ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương.
Theo Thủ tướng, các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong những tháng còn lại, ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu “thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4%”. Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp hiệu quả bổ sung động năng mới cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018 và giai đoạn 2018-2020.