Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu Australia
Trong chương trình thăm chính thức Australia, sáng 17/3 (giờ địa phương) tại thành phố Sydney, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã có buổi Đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam và Australia về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như những cơ hội, triển vọng về quan hệ hợp tác Việt Nam-Australia.
Cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Australia trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, năng lượng, dầu khí, khai khoáng...
Trong không khí hữu nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát những bước phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ một quốc gia chậm phát triển với nền kinh tế đóng cửa, đến nay đã trở thành nước thu nhập trung bình có nền kinh tế năng động, hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới.
Nổi bật là trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng GDP gần 6% trong năm 2014 và đến nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đã lên gần 300 tỷ USD với gần 18.000 dự án đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện nay, có trên 100 tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Việt Nam và Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và tin cậy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện đầy đủ và vận hành thông suốt thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam, thực hiện cạnh tranh một cách bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước tại thị trường Việt Nam theo đúng cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam khẳng định tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua thực hiện đầy đủ các cam kết của mình trong WTO cũng như các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tám Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, mở cửa thị trường với các FTA khác, nhất là các FTA thế hệ mới với yêu cầu cao để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh trong khu vực ASEAN và tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế trong kinh doanh tại thị trường Việt Nam."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết Việt Nam đang tập trung tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược nhằm tạo thuận lợi thu hút và phát triển đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam cũng tiếp tục bảo đảm ổn định chính trị xã hội ngày càng vững chắc và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài; đồng thời tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền, bảo đảm và phát huy mạnh mẽ quyền tự do dân chủ của người dân, cả về kinh tế và chính trị, coi đây là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tự do kinh doanh có hiệu quả lâu dài ở Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và trực tiếp trả lời nhiều cầu hỏi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Australia liên quan đến triển vọng, cơ hội thúc đẩy và tăng cường thực chất quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Australia, nhất là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực lợi thế cạnh tranh như khai khoáng, năng lượng, hóa chất, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, giáo dục và dịch vụ chất lượng cao.
Chính phủ Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Australia tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Australia như năng lượng, hạ tầng viễn thông, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp bền vững và tài chính.
Liên quan đến hoạt động của công ty mua bán nợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ đây là một giải pháp rất quan trọng cùng với các giải pháp đồng bộ khác nhằm giảm nhanh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hiện nay nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam khoảng 5%. Mục tiêu của chúng tôi đến cuối năm 2015 nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam giảm xuống dưới 3% là mức nợ xấu thông thường trong hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường. Công ty mua bán nợ đã đóng góp tích cực trong tiến trình này. Việt Nam đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ ở Việt Nam, đặc biệt là mua bán các khoản nợ tồn đọng liên quan đến bất động sản, dự án sản xuất kinh doanh. Chúng tôi rất khuyến khích các bạn tham gia vào thị trường này ở Việt nam và đã có một số nhà đầu tư tham gia hiệu quả vào thị trường này của Việt Nam."
Trong khuôn khổ chương trình đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các doanh nghiệp Việt Nam và Australia đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu container, cung cấp nguyên liệu và trao đổi mua bán một số sản phẩm nông sản.
Doanh nghiệp hai nước mong muốn Chính phủ Việt Nam và Australia sẽ sớm xác định và thống nhất chương trình hành động cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, mở ra các cơ hội mới với điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác phát triển đầu tư kinh doanh.
Cũng trong sáng 11/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Australia về lĩnh vực viễn thông, khai khoáng, ngân hàng, năng lượng, dầu khí.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Australia. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Tiếp tập đoàn Telstra - tập đoàn viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông hàng đầu của Australia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam đang trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông, trong đó MobiFone là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thực hiện cổ phần hóa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Telstra quan tâm tìm hiểu tham gia quá trình cổ phần hóa và đề nghị tập đoàn làm việc với Mobifone để đưa ra phương án hợp tác cụ thể, báo cáo Chính phủ xem xét.
Tiếp tập đoàn Rio Tinto - Tập đoàn khai thác mỏ hàng đầu thế giới và kinh doanh khoáng sản, bao gồm thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ hợp tác giữa tập đoàn với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam trong việc nâng cấp nhà máy Alumina và cải thiện năng suất khai thác quặng bôxít.
Tiếp Ngân hàng CBA - Nhà cung cấp hàng đầu của Australia về các dịch vụ tài chính tổng hợp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng yếu kém để tái cấu trúc các tổ chức này, đồng thời Việt Nam tiếp tục tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án đào tạo cho cán bộ ngân hàng (gồm Australia, New Zealand) và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác nhằm nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ trong thời gian tới.
Tiếp Tập đoàn Origin Energy - Tập đoàn hàng đầu của Australia trong lĩnh vực tích hợp năng lượng và nằm trong top 20 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thuộc lĩnh vực thăm dò khí đốt và sản xuất, phát điện và bán lẻ năng lượng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam khuyến khích Tập đoàn Origin Energy nói riêng và các tập đoàn năng lượng quốc tế có kinh nghiệm, công nghệ, vốn, thị trường.
Tiếp Ngân hàng ANZ - một trong số các doanh nghiệp lớn nhất và thành công nhất tại Australia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ ANZ và các ngân hàng của Australia, New Zealand tiếp tục mở rộng hoạt động, phát triển dịch vụ và tin tưởng các tổ chức tín dụng sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư, giao thương, kinh tế giữa Việt Nam-Australia-New Zealand và các nước nói chung.
Tiếp Tập đoàn Santos - nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu, cung cấp cho khách hàng Australia và châu Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tập đoàn quan tâm tìm hiểu về nhu cầu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng của Việt Nam, hướng trở thành nguồn cung dài hạn cho Việt Nam và tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác tại Việt Nam.
Nguồn Vietnam+