Triển lãm gỗ, mỹ nghệ xuất khẩu tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa.
Thủ tướng "đặt hàng" xuất khẩu gỗ đạt 20 tỉ USD vào năm 2025
Những mục tiêu xuất khẩu
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, con số "đặt hàng" này cao hơn so với mức đưa ra của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra. Người đứng đầu chính phủ hy vọng, mục tiêu xuất khẩu của ngành chế biến gỗ, lâm sản 10 năm tới phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu.
Phấn đấu để Việt Nam thành trung tâm toàn cầu về đồ gỗ có thương hiệu và uy tín trên thế giới. Đây là thông tin được Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.
Theo đó, ngành chế biến gỗ và lâm sản vẫn phải khắc phục những hạn chế về quy mô doanh nghiệp nhỏ, chất lượng gỗ nguyên liệu thấp, gỗ có chứng chỉ chiếm tỷ lệ chưa cao, sản phẩm xuất khẩu thô, giá trị thấp như dăm gỗ còn nhiều, đặc biệt, liên kết chuỗi còn hạn chế…
Theo đó, Thủ tướng hy vọng, ngành chế biến gỗ và lâm sản phấn đấu mục tiêu trước mắt cho năm 2018 đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỉ USD, năm 2019 đạt 10-11 tỉ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỉ USD, tới năm 2025 đạt 18-20 tỉ USD.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, phát triển rừng gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ chọn, tạo giống, trồng, chăm sóc rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng. “Việt Nam phấn đấu là một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bà Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cũng nhận định, đây là thời điểm thú vị cho ngành gỗ Việt Nam được đánh dấu bằng cam kết đáng khen ngợi của Chính phủ và ngành chế biến gỗ Việt Nam khi tham gia cùng EU trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cho biết trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên Thế giới.
Theo đó, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt 8,032 tỉ USD vào năm 2017, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn năm 2006-2020.
Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước thì ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 doanh nghiệp, khu vực tư nhân chiếm 95%. Trong đó, nội địa chiếm 900 doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp khối FDI.
Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt 5,025 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (tương đương 55,83% kế hoạch năm) và chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng tăng mạnh là tin vui, nhưng đi kèm với đó cũng có một mối lo khác, đó là “cơn khát” nguyên liệu của các doanh nghiệp trong ngành. Hiện, để đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu, lượng gỗ nguyên liệu đã phải nhập về một con số không nhỏ.
Theo đó, ngành đang nỗ lực tạo nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước, hạn chế nhập khẩu và góp phần cải tạo rừng. Cũng theo Thủ tướng, gỗ nguyên liệu trong nước hiện còn non ngày, cần khắc phục cụ tình trạng này để giá trị và hiệu quả khai thác cao hơn.