Thứ Năm | 11/09/2014 11:18
Thủ tướng đã phê duyệt cổ phần hóa Vietnam Airlines
Dự kiến đến cuối năm 2014, khoảng 150 doanh nghiệp sẽ được phê duyệt cổ phần hóa và thực hiện bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Ngày 11/09/2014, Hội thảo Gateway to Vietnam đã được tiếp tục tổ chức bởi Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn sau 4 năm.
Mở đầu phần trình bày "Cơ hội đầu tư tại Việt Nam", ông Georges Joseph Ghorra, đại diện công ty tài chính IFC, giới thiệu khá chi tiết về IFC và hoạt động cũng như dịch vụ của IFC tại Việt Nam.
Bà Doan Nguyen Hansen, đại diện McKinsey & Company, nhắc đến 3 nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới. Nghiên cứu của McKinsey & Company cho rằng quá trình đô thị hóa tại Việt Nam sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, dự kiến sẽ có thêm hơn 10 triệu người gia nhập vào các khu vực đô thị cho đến năm 2030. Số lượng hộ dân tiêu dùng cũng được dự đoán tăng hơn gấp đôi từ 10 triệu lên 21 triệu vào năm 2030. Ngoài ra, McKinsey cũng cho rằng đầu tư của Việt Nam vào cơ sở hạ tầng và bất động sản lên đến 39 tỷ USD hằng năm.
Tại phiên thảo luận "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cơ hội đầu tư", ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng vụ đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cổ phần hóa Vietnam Airlines ngày 10/09/2014 với vốn điều lệ vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Nhà nước tiếp tục nắm giữ 75% cổ phần Vietnam Airlines và bán cho cổ đông chiến lược 20% cổ phần. Sau khi cổ phần hóa, nếu đủ điều kiện niêm yết, Vietnam Airlines sẽ niêm yết ngay và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống 65%.
Ông Dũng từ chối tiết lộ về giá trị hợp đồng tư vấn định giá Vietnam Airlines của công ty tư vấn nước ngoài nhưng cho biết con số lên đến hàng triệu USD, vượt qua quy định của Bộ Tài chính nhưng vẫn được Chính phủ chấp nhận.
Ông Nguyễn Trọng Dũng cũng cho biết, trong số 432 doanh nghiệp nhà nước dự kiến cổ phần hóa, hiện có 253 đang trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Dự kiến đến cuối năm 2014, khoảng 150 doanh nghiệp sẽ được phê duyệt cổ phần hóa và thực hiện bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cập nhật đến cuối tháng 8/2014, các chỉ số trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán tăng 24-25%, vốn hóa tăng 40% so với đầu năm 2014 và vốn đầu tư nước ngoài gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2013.
Hội thảo lần này đề cập đến làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, sản phẩm tài chính mới là quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Hội thảo Gateway 2009-2010 trước đó tập trung bàn luận về các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Danh sách công ty tham dự gồm 30 công ty niêm yết và chưa niêm yết thay vì 31 công ty như ban tổ chức đã đưa tin trước đó.
Thành phần diễn giả của Thảo luận mở - Cổ phần hóa của Doanh nghiệp Nhà nước và cơ hội đầu có một số thay đổi. Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội Tp. Hồ Chí Minh không tham dự.
Thay vào đó, danh sách diễn giả có thêm ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ và ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp - Cục tài chính doanh nghiệp, Bộ tài chính.
Ông Trần Du Lịch sẽ tham gia vào cuộc thảo luận mở thứ 2 tại Gateway to Vietnam 2014 - Ngân hàng & Công cuộc tái cơ cấu.
Người điều hành phiên thảo luận mở đầu tiên là Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thay vì đại diện từ McKinsey & Company.
|
Nguồn Theo DVO