Thủ tướng: Chậm cổ phần hóa sẽ điều chuyển, không cất nhắc cao hơn
Kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015, chiều nay (18/2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ cũng như của nền kinh tế trong 2 năm 2014-2015”. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định ý kiến của các DN đưa ra tại Hội nghị là xác đáng để hoàn thiện thể chế tái cơ cấu DNNN có hiệu quả.
Đánh giá chung tình hình, Thủ tướng cho biết: Thực hiện kế hoạch 5 năm Đại hội Đảng XI đề ra, đến nay đã đi được 3 năm trong bối cảnh hết sức khó khăn. Khủng hoảng tài chính suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Trong khi đối phó khủng hoảng, đất nước phải dành nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay để tăng cường sức mạnh quốc phòng, sức mạnh quân đội và đối phó với thiên tai, dịch bệnh.
Theo đánh giá của Thủ tướng, các kết quả đạt được 3 năm qua có đóng góp của DNNN. Đáng nói là đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (năm 2013 là 6%), kiểm soát lãi suất, tỉ giá, đẩy mạnh xuất khẩu (tăng 22%). Dự trữ ngoại tệ cao nhất từ trước đến nay, gần 40 tỉ USD. Đạt mức tăng trưởng khá cao ở mức hợp lý (bình quân 3 năm 5,6%) bằng mức bình quân ASEAN.
Chất lượng nền kinh tế nâng lên, chỉ số ICOR giảm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (nông nghiệp còn chiếm 18% GDP, còn lại là công nghiệp dịch vụ; cơ cấu lao động trong nông nghiệp giảm mạnh.
Tuy nhiên, các kết quả làm được chưa tương xứng với nguồn lực, lợi thế và mong muốn. Như DNNN vốn tín dụng chiếm 60% nhưng đóng góp GDP mới có 30% là thấp. Cùng với đó là sai phạm, vi phạm, kể cả vấn đề đạo đức đã ảnh hưởng không tốt. Hay số lỗ vẫn còn cao (16%).
“Vì vậy cần phải sốc lại và tái cơ cấu DNNN. Dù có nguyên nhân khách quan như tình hình kinh tế chung nhưng 3 năm mới sắp xếp 180 DN là con chậm. Trong đó CPH 99 DN, nhưng riêng Bộ GT-VT làm được 44 DN. Nếu bộ, địa phương nào cũng làm được thì tình hình đã khác” – Thủ tướng nói.
Hơn 4.000 DN đã CPH đã phát huy hiệu quả, quản lý vốn chặt chẽ hơn. “Nếu CPH sẽ không xảy ra tiêu cực như vừa qua”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong tái cơ cấu nền kinh tế nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu ngân hàng; tái cơ cấu DNNN.
Thủ tướng yêu cầu, để đẩy nhanh CPH trong 2 năm tới đã phê duyệt 531 DN, đã làm 99, còn 432 DN phải quyết liệt thực hiện. Đồng thời rà soát bổ sung thêm DN CPH theo hướng phải làm giảm mạnh số DN mà nhà nước nắm giữ 100% vốn và Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. “Như Bia Sài Gòn mới cổ phần hóa được 7-8% thì là làm cho vui. Cần phải xác định xem có thể bán 60-70% cổ phần nhưng phải giữ được thương hiệu” – Thủ tướng yêu cầu.
Chậm cổ phần hóa sẽ bị điều chuyển, kiểm điểm
Thủ tướng cũng nêu quyết tâm “đánh” vào những lãnh đạo chậm tiến hành cổ phần hóa. Theo Thủ tướng, “DN nào không thông, chần chừ thì bộ, địa phương mời họ làm việc khác, chưa nói đến kiểm điểm nặng nề nhưng tuyệt đối không đề bạt cao hơn”.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại phương án, bổ sung phương án theo hướng quyết liệt hơn, giảm bớt DN nhà nước nắm giữ 100% vốn và chiếm vốn chi phối. Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là lĩnh vực không cần cổ phần chi phối thì giảm nếu không cổ đông chiến lược không muốn vào. Đa sở hữu sẽ tạo thêm động lực, quản trị kiểm soát, ngăn ngừa tiêu cực, công khai minh bạch sẽ tốt hơn. Cùng với đó, các bộ cần phối hợp chặt để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.
Về tiền lương, Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH phải nghiên cứu ở mức hợp lý, không thể trả cao quá mức. Cùng với đó là sử dụng người lao động do trước đây nhiều nơi thu nhận quá nhiều đến khi sắp xếp dôi dư cả ngàn người. “Đề nghị các bộ trưởng làm rõ từng DN về vấn đề này” – Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu các DNNN phải minh bạch lĩnh vực công ích và kinh doanh, ví dụ như điện lực bán điện không dưới giá thành, đối với hộ nghèo thì Nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ (1000 tỉ đồng/năm). Hay dầu khí làm nhà giàn thì tách bạch ra khỏi phần kinh doanh.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng cho rằng mới thoái 4.000 tỉ trên 17.000 tỉ cần tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào lĩnh vực chính. Ví dụ như điện lực đầu tư ngân hàng, bảo hiểm thì chuyển sang SCIC để tập trung đầu tư vào điện. Hay ngân hàng hợp nhất thì chuyển sang ngân hàng mạnh.
“Rút lui phải có trật tự, chứ không phải bỏ chạy tán loạn. Mà việc đầu tư ngoài ngành trước đây là không sai, là chủ trương của Đảng nhà nước, nhưng đi vào thực tế không hợp lý thì điều chỉnh”- Thủ tướng nói./.
Vũ Hạnh
Nguồn VOV online