Reuters
Thủ tướng: Cải cách kinh tế là nhu cầu của Việt Nam
→CPTPP tiếp lửa tự do thương mại
→CTTPP: Áp lực cải cách và quyền sở hữu tư nhân
Cải cách kinh tế là nhu cầu của Việt Nam
Việc cải cách kinh tế là quyết sách, là nhu cầu đổi mới và phát triển của chính Việt Nam dù có hay không có TPP. Tuy nhiên, Việt Nam coi việc tham gia các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tạo thêm động lực để cải cách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định điều này khi trả lời phỏng vấn Hãng Fairfax Media về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia, nhất là trong bối cảnh mới khi hai nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế hưởng lợi chính từ TPP, nhưng một số lợi ích đó đến từ cải cách kinh tế để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của bản thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi TPP, điều này khiến Hiệp định mới, nhìn chung là có những tiêu chuẩn thấp hơn ban đầu, vậy xin Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiếp tục đưa ra các phương án cải cách kinh tế hay không?”, phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ, Việc cải cách kinh tế là quyết sách, là nhu cầu đổi mới và phát triển của chính Việt Nam dù có hay không có TPP.
Mặc dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ, CPTPP vẫn là một FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, độ mở lớn, cân bằng lợi ích các bên, mang tính toàn diện và tiến bộ, là “hình mẫu” cho hợp tác, liên kết kinh tế khu vực trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.
“Chúng tôi coi việc tham gia các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tạo thêm động lực để cải cách. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách và tạo dựng sân chơi bình đẳng, môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với việc thực thi nghiêm túc và đầy đủ các cam kết về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong khi đó, theo báo cáo nghiên cứu, đánh giá tác động của CPTPP tới kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), việc Việt Nam tham gia CPTPP sẽ khiến nhiều ngành kinh tế được hưởng lợi và cả những ngành chịu tác động ngược lại.
Trong trường hợp Việt Nam, mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính sẽ thuộc về các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ở tất cả các ngành.
Cụ thể hơn, WB cho rằng ngành may mặc sẽ có mức lợi ích nhất trong tất cả các kịch bản, ngành dệt may sẽ có mức tăng lớn hơn trong TPP, ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá sẽ có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong CPTPP.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế WB cho rằng, hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Nhưng quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt nói.
Ngành nào sẽ chịu tác động nhiều?
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khi đàm phán, Chính phủ đã chỉ đạo cần phải đảm bảo các lợi ích cốt lõi, giúp cải cách và có cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp để chuyển dịch lao động sang những ngành có năng lực cạnh tranh tốt hơn... Trong số đó, đặc biệt lưu ý những ngành có ảnh hưởng lớn đến đa số người dân như nông nghiệp, thủy sản, nghề muối...
Việt Nam đã có cam kết mở cửa với nhiều nước khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Thực tế hầu hết các ngành đều đã có độ mở nhất định, như với ôtô đã mở cửa cho các nước ASEAN về 0% từ 2018, với CPTPP cho lộ trình là 7 năm. Cạnh tranh là có nhưng phần lớn là với mặt hàng đã quen với sức ép cạnh tranh.
Ông Thái cho rằng thách thức lớn nhất sẽ tập trung vào các lĩnh vực nông sản, chăn nuôi mà cụ thể là thịt gà và thịt heo. Song đây là những ngành mà chúng ta đã có đánh giá, tiên lượng, trong đàm phán đã cố gắng để có được lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, cần nhìn hiệp định trong bối cảnh động.
“Việc chuẩn bị của doanh nghiệp tùy từng ngành, từng lĩnh vực. Như khi Việt Nam tham gia FTA ASEAN với Australia và New Zealand, nhiều ý kiến cho rằng ta không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với 2 nước này, vì chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới. Khi đưa thuế về 0% thì ngành đó không phát triển được. Nhưng thực tế thì ngành sữa của ta vươn lên phát triển mạnh hơn. Tất nhiên có những ngành khó cạnh tranh. Nếu như vậy thì phải từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành có lợi thế cạnh tranh tốt nhất”, ông Thái nói.
CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để doanh nghiệp chuẩn bị. Một nhóm doanh nghiệp ở thế yếu hơn so với các doanh nghiệp khác là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ thì đây là nhóm cần đặc biệt lưu ý, làm sao để họ tận dụng được cơ hội.
Nguồn Cỗng thông tin chính phủ