Báo Hải Quan

 
Thái Bình Thứ Năm | 21/12/2017 08:35

Thủ tướng: 6 điểm trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực, một Việt Nam tự cường trong hội nhập quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại “Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017” do Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức sáng 20.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực, một Việt Nam tự cường trong hội nhập quốc tế, cố gắng tận dụng cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh sáu điểm trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện rõ nhất là tại Hội nghị APEC vừa qua, Việt Nam đã đưa ra chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” để kết nối các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới mục tiêu ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm. Cũng tại APEC 2017, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Việt Nam đã cùng với Nhật Bản, Việt Nam và các nước thành viên khác đã ra Tuyên bố chung về triển khai để sớm ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP).

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. “Phải cải cách mạnh mẽ bên trong, tái cơ cấu thực chất nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy mạnh mẽ tinh thần Chính phủ kiến tạo, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. Trì trệ mãi thì khó phát triển đất nước. Các rào cản, thủ tục chi phí không cần thiết của người dân và DN phải loại bỏ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ đồng bộ trên mọi phương điện để hội nhập đạt kết quả. Trong đó, nhấn mạnh sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, cần chú ý gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách. Hiện nay, tính đồng bộ trong hội nhập còn yếu. Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc.

Thứ tư, Chính phủ luôn xác định DN là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực DN tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để DN ngày càng phát triển. Trong vấn đề này, Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các DN về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với DN. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo và các địa phương cần thúc đẩy các DN chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. 

“DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên cần tăng cường liên kết thông qua các Hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế. Trong thực thi các Hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ phù hợp với những lĩnh vực còn tạm thời khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên và Chính phủ phải có chính sách tốt hơn cho phát triển hội nhập, nhất là lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ, du lịch”, Thủ tướng nói. 

Thứ năm, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực, một Việt Nam tự cường trong hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết, cần giải quyết tốt các vấn đề đã phát hiện ra như quan hệ giữa DN FDI với DN nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, nâng cao quản trị quốc gia và DN, nâng năng suất lao động… 

Thứ sáu, Thủ tướng nêu rõ, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập. Trong đó, trước mắt tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam... 

"Cần đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập và có những hướng dẫn cụ thể để DN và người dân nắm bắt, hiểu biết và có thể tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự kiên định và đồng thuận cao trong tiến trình hội nhập kinh tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn Tổng hợp