Thứ trưởng Bộ Tài chính: Phải đảm bảo cơ chế bảo vệ nhà đầu tư
Tại diễn đàn, ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán đã phát triển khá ấn tượng trong giai đoạn 2006 - 2008, nhưng kể từ 2010 tới nay, thị trường phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thử thách do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trong khu vực và trên thế giới.
Ông khẳng định, Việt Nam cần tìm cách thúc đẩy các thị trường mới trở thành kênh huy động vốn hiệu quả và đáng tin cậy cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, đảm bảo cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Tổng Giám đốc HNX Trần Văn Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược các Sở trong việc nâng cao tính cạnh tranh, cải thiện thanh khoản và nâng cao chất lượng thị trường qua việc thực hiện quản trị công ty. Từ đó, nâng cao chất lượng thị trường mới nói riêng, chất lượng thị trường chứng khoán nói chung.
Cũng tại diễn đàn, liên quan đến chiến lược các Sở, Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, ông Atsushi Saito bình luận, tổ chức vận hành thị trường không chỉ có trách nhiệm về hoạt động niêm yết sản phẩm mà còn phải có trách nhiệm duy trì chất lượng sản phẩm. Về bản chất luôn có những xung đột lợi ích giữa hoạt động vận hành và quản lý thị trường. Để hài hoà, cần phải tách biệt chức năng quản lý với chức năng vận hành thị trường ở một mức độ nào đó trong trường hợp một nhà vận hành thị trường có trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động thị trường.
Ông Saito cho rằng "Cách giải quyết khả thi có thể không phải là M&A, mà ở đây là sự hợp tác chặt chẽ giữa các thị trường. Việc kết nối các Sở ASEAN chứng minh tính ưu việt hơn của hoạt động hợp tác giữa các thị trường Đông Nam Á so với các khu vực khác".
Chia sẻ về các biện pháp ngăn ngừa rủi ro kỹ thuật, Tổng Giám đốc của Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ và hiện là Chủ tịch Ủy ban công tác Liên đoàn các Sở giao dịch chứng khoán quốc tế (WFE), ông Ravi Narain cho biết, không có con đường tắt dễ dàng nào có thể mang lại và duy trì tính thanh khoản cho thị trường, điều đó đòi hỏi rất nhiều yếu tố quan trọng như: một sàn giao dịch với khả năng xử lý cao, hiệu quả, chi phí thấp, một hệ thống quản trị rủi ro tốt kết hợp cùng cơ chế bù trừ trung tâm, các sản phẩm thu hút cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, và hạ tầng công nghệ giúp giảm độ trễ trong giao dịch.
Hiện nay, nhân tố công nghệ là không thể thiếu trong việc tăng tính thanh khoản của tất cả các thị trường, song phát triển ứng dụng công nghệ cần đi đôi với việc kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo những rủi ro công nghệ đảm bảo hoạt động trơn tru của thị trường, ông Narain cho biết.
Diễn đàn thị trường mới là một sáng kiến của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc từ năm 2001 để các nhà lãnh đạo các Sở giao dịch chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các biện pháp khắc phục khó khăn tại các Sở.
Diễn đàn đã được tổ chức 7 lần bởi các Sở giao dịch chứng khoán và lần thứ 8 được là lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Năm nay, diễn đàn có sự tham gia của 16 Sở giao dịch chứng khoán trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, và Việt Nam.
Nguồn Khampha