Thứ Ba | 05/08/2014 20:45

Thứ trưởng Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gạo tăng, cao su giảm

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa trả lời phỏng vấn với phóng viên Bloomberg về tình tiêu thụ và xuất khẩu gạo, cao su Việt Nam.
Xin giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh.

Việt Nam hiện đang có những thuận lợi và khó khăn gì Trong việc xuất khẩu gạo và cao su? Dự báo lượng gạo và cao su xuất khẩu cả năm nay là bao nhiêu? Nguyên nhân tăng/giảm so với năm 2013?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,261 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,474 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng và 6,1% về kim ngạch so với cùng kỳ; xuất khẩu cao su thiên nhiên 6 tháng đầu năm 2014 đạt 349 nghìn tấn với kim ngạch 652 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013.

Những thuận lợi và khó khăn của xuất khẩu gạo và cao su của Việt Nam hiện nay như sau:

Đối với mặt hàng gạo, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2013/2014 đạt khoảng 475,6 triệu tấn (so với 467,6 triệu tấn niên vụ 2012/2013), tiêu dùng toàn cầu khoảng 474,6 triệu tấn. Thương mại gạo toàn cầu dự báo đạt mức cao 40,9 triệu tấn, tăng 3,6 triệu tấn so với 37,3 triệu tấn năm 2013.

Nguồn cung vẫn dồi dào nên thị trường gạo những tháng còn lại năm 2014 dự báo tiếp tục cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu. Một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ lượng tồn kho cao, Thái Lan phải bán ra để giảm bớt áp lực tồn kho. Các nước nhập khẩu có sự thay đổi chính sách nhập khẩu, đa dang hóa nguồn cung và tăng cường sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tuy nhiên, gần đây, đã xuất hiện những diễn biến mới trên thị trường gạo thế giới. Đó là lượng gạo tồn kho của Ấn Độ đã giảm đáng kể, được cho là xuống tới mức 25 triệu tấn, Thái Lan cũng đang tiến hành rà soát lại số lượng và chất lượng gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số nước Châu Á đã tiến hành nhập khẩu để bảo đảm lượng gạo dự trữ cần thiết phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mới đây, một số dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết bất lợi, ảnh hưởng của hiện tượng El-nino sẽ tác động ảnh hưởng giảm sản lượng sản xuất lúa gạo một số nước và thúc đẩy nhập khẩu trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng có mặt thuận lợi là đã thiết lập được quan hệ thương mại gạo ổn định với nhiều thị trường quan trọng ở khu vực Châu Á, Châu Mỹ; các thị trường mới liên tục được phát triển, mở rộng; chất lượng, giá trị gạo xuất khẩu ngày càng được nâng lên, thâm nhập được vào các thị trường tiêu thụ gạo khó tính như Hoa Kỳ, Mexico, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam đã tăng tới gần 20% so với cùng kỳ năm 2013. Trước những diễn biến tình hình trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2014 được dự báo sẽ có kết quả khả quan, đạt được mục tiêu điều hành của Chính phủ là tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho người nông dân.

Đối với mặt hàng cao su, mặt thuận lợi là Việt Nam có bề dày lịch sử trong trồng và sản xuất cao su thiên nhiên Trong khi nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới có xu hướng tăng liên tục trong dài hạn. Hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa các nước trồng cao su để chia sẻ thông tin và giải pháp ứng phó với khủng khoảng kinh tế.

Về khó khăn, xuất khẩu cao su năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục khó khăn do giá giảm, nguồn cung gia tăng mạnh từ các chương trình mở rộng diện tích cao su của những năm giá cao truớc đây, trong khi mức tiêu thụ của thế giới tăng chậm lại, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su hiện nay rất gay gắt.

Trong bối cảnh đó, việc phải chịu mức thuế cao hơn so với những năm trước đó là không hợp lý và gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su. Vì vậy, để giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu cao su, cần phải điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu cao su cho hợp lý. Ngoài ra, chất lượng cao su xuất khẩu Việt Nam cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, ổn định hơn.

Trước tình hình khó khăn nêu trên, dự báo xuất khẩu cao su năm 2014 đạt khoảng 1 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và 19,7% về kim ngạch so với năm 2013.

Tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã có những ảnh hưởng như thế nào với việc xuất khẩu gạo và cao su sang Trung Quốc? Dự báo lượng gạo và cao su xuất khẩu sang Trung Quốc năm nay sẽ là bao nhiêu (chính ngạch và tiểu ngạch)? Những con số này so sánh như thế nào với năm 2013?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể khẳng định rằng, mặc dù tình hình ở Biển Đông gần đây có những biến động, nhưng quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá.

Ngoài ra, do biến động nhu cầu của thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam cũng có những dấu hiệu sụt giảm ở một số thời điểm.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam, Việt Nam không có hình thức giao dịch thương mại tiểu ngạch, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đều được cơ quan Hải quan quản lý và thống kê đầy đủ. 6 tháng đầu năm 2014, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,34 triệu tấn, trị giá trên 576 triệu USD, tăng 5,38% về lượng và tăng 8,89% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Dự báo cả năm 2014 lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không có đột biến so với năm 2013.

Về mặt hàng cao su thiên nhiên, tính đến hết tháng 6 năm 2014, tổng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 138 nghìn tấn, trị giá gần 248 triệu USD, giảm 23,6% về lượng và giảm 42,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu cao su thời gian qua gặp khó khăn và sụt giảm ở hầu hết các thị trường trong khu vực nói chung, Trung Quốc nói riêng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung cao su đang vượt cầu của nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu;

Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng chậm, thị trường ảm đạm, sự rớt giá của đồng đôla Mỹ và đầu cơ trên thị trường hàng hóa như Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) cũng góp phần khiến giá giao dịch cao su sụt giảm.

Việt Nam hiện nay đang áp dụng những biện pháp cụ thể nào trong việc đa dạng hóa thị trường để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Việt Nam sẽ chú trọng tăng xuất khẩu gạo và cao su vào những thị trường nào?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Chính phủ, Bộ Công Thương từ lâu luôn có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định, trong đó bao gồm cả thị trường hàng nông sản.

Đối với việc tìm đầu ra cho hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có mặt hàng gạo và cao su, Bộ Công Thương từ nhiều năm nay đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa, xúc tiến thương mại, xây dựng hành lang pháp lý cho hàng xuất khẩu thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương…

Đối với mặt hàng gạo và cao su, trong thời gian tới, Việt Nam ngoài việc tiếp tục duy trì quan hệ đối với các thị trường lớn, thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Công, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore… đồng thời tiếp tục tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng như thị trường Hoa Kỳ, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hoặc tìm kiếm các thị trường mới như Pa-lau, thị trường khu vực Trung Đông, châu Phi…

Phóng viên: Giá cao su giảm sâu khiến doanh nghiệp và nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có ý định cùng hợp sức với Thái Lan, Indonesia và Malaysia điều tiết nguồn cung và đẩy giá cao su lên không? Nếu có, Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện những biện pháp cụ thể nào?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Nhằm đạt được mức giá ổn định tối thiểu và đối phó với việc giảm giá cao su trên thị trường thế giới, Thái Lan cùng với Indonesia và Malaysia đã ký Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng (The Bali Declaration 2001) và thiết lập Hội đồng cao su quốc tế giữa 3 nước (International Tripartie Rubber Council - ITRC) vào năm 2001.

Nhiệm vụ của ITRC cùng hợp tác, giám sát nguồn cung cao su tự nhiên trên thị trường thông qua kế hoạch quản lý lượng cung cao su (the Supply Management Sheme - SMS) và thoả thuận vận tải xuất khẩu ( The Agree export Tonnage Sheme - AETS). Đồng thời ITRC có nhiệm vụ tổng hợp và phân tích số liệu sản xuất và xuất khẩu cao su cho Ủy ban các Bộ trưởng liên minh 3 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Sau đó 3 nước Thái Lan cùng với Indonesia, Malaysia thành lập Công ty quốc tế 3 bên (IRCo) vào năm 2003 có nhiệm vụ điều hoà chính sách, kế hoạch và hoạt động marketing nhăm đảm bảo lợi ích của người trồng cao su.

Đầu năm 2010, ba nước này nhóm họp và hình thành Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (Association of Natural Rubber Producing Countries/ANRPC). ANRPC thoả thuận giữ giá sàn cao su trên thị trường thế giới trong khoảng 2000 - 3000 USD/tấn và khống chế lượng cao su xuất khẩu.

Đầu năm 2010, cuộc họp của ITRC đã thảo luận việc để Việt Nam tham gia ITRC. Hiện tại tổng sản lượng cao su tự nhiên của 3 nước thuộc ITRC chiếm 70% tổng nguồn cung toàn cầu. Nếu Việt Nam tham gia thì tổ chức này nắm giữ gần 80% tổng sản lượng cao su toàn cầu và có khả năng kiểm soát được 90 - 95% thị trường cao su thế giới. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam rất nhỏ so với các nước còn lại nên việc hợp tác như thế nào cũng cần nghiên cứu đánh giá thêm.

Cuối năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Chính phủ sẽ xem xét việc Việt Nam có tham gia Hội đồng Cao su quốc tế (hiện bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia, tiếng Anh: International Tripartite Rubber Council) hay không. Xin cho biết đánh giá của Bộ về khả năng Việt nam sẽ thông qua việc tham gia Hội đồng này trong tương lai gần? Việc này đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc tham gia vào cơ chế hợp tác nhiều bên giúp Việt Nam có cơ hội được trao đổi thông tin đầy đủ về thị trường, giá cả, cung cầu cao su trên thế giới để có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển ngành cao su Việt Nam cân đối với cung cầu của thị trường thế giới.

Mặt khác việc tham gia vào các thỏa thuận điều tiết cung cầu, cắt giảm sản lượng, hạn chế xuất khẩu hoặc tăng mua tạm trữ có thể giúp giảm tình trạng giá giảm sâu, gây thiệt hại cho người sản xuất.

Trong những năm qua, ITRC đã nhiều lần mời Việt Nam tham gia cơ chế hợp tác nhiều bên này. Trước năm 2012, ITRC và IRCo đã nhiều lần mời Việt Nam tham gia cơ chế hợp tác này. Năm 2012, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã thăm và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương Việt Nam và đề cập lại việc này.

Khi tham gia chính thức vào ITRC, nhất là tham gia góp cổ phần vào IRCo nghĩa là Việt Nam phải tuân các cam kết được ITRC và IRCo thống nhất, thỏa thuận. Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ quan quản lý chuyên ngành theo dõi hỗ trợ và giám sát kế hoạch sản xuất của tư nhân và nông hộ cao su; chưa có cơ chế quản lý kiểm soát xuất khẩu cao su để thực hiện cắt giảm sản lượng cao su xuất khẩu khi có yêu cầu.

Do vậy, cân nhắc điều kiện thực tế, những thuận lợi và khó khăn của ngành cao su, cho tới nay, Việt Nam chưa tham gia ITRC và IRCo.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện