Thử thách mới cho Dabaco
Trong số 10 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ở ngành thức ăn chăn nuôi, Dabaco là một công ty nhà nước giữ được thị phần ở vị trí thứ 7. Thế nhưng cuộc chiến trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đang ngày gay gắt, liệu doanh nghiệp này có thể trụ vững?
Mô hình 3F của Dabaco
Dabaco thành lập năm 1996 và tiến hành cổ phần hóa vào năm 2005, chủ yếu đầu tư phát triển ở nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp. Thị trường của Công ty chủ yếu là miền Bắc, với doanh thu của tăng trưởng khá đều đặn. Năm 2014, Dabaco thu về 5.231 tỉ đồng, đạt lợi nhuận ròng gần 206 tỉ đồng. Quý II vừa qua, lợi nhuận ròng của Công ty cũng đạt 53,2 tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được là nhờ Dabaco đã khép kín thành công mô hình từ trang trại đến bàn ăn (3F).
Với chữ F chăn nuôi (Farm), Dabaco đã đầu tư trang trại giống gà, lợn từ năm 1997. Những giống này chủ yếu được nhập từ Canada, Đan Mạch, Mỹ... về lai tạo thành các loại giống hạt nhân, giống thương phẩm để tự cung cấp cho hệ thống chăn nuôi gia công của Công ty và bán ra thị trường. Ðặc biệt, Dabaco còn nổi tiếng với việc cung cấp nhiều giống “lạ” như gà 9 cựa hay gà nòi ô tía. Ðây là những giống gà được nhiều hộ chăn nuôi miền Bắc ưa chuộng vì giá bán khá cao.
Mô hình chăn nuôi của Dabaco cũng chia ra nhiều dạng, gồm trang trại do Công ty tự đầu tư, liên kết nuôi gia công trong các mô hình hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi vệ tinh chân rết ở nhiều tỉnh thành khác.
Ở chữ F thức ăn chăn nuôi (Feed), Dabaco hiện có 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 85 tấn/giờ. Trong đó có 3 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, 1 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, 1 nhà máy sản xuất thức ăn cho lợn con và 1 nhà máy sản xuất thức ăn đậm đặc. Thức ăn chăn nuôi của Dabaco được tiêu thụ trên cả nước với 6 thương hiệu khác nhau: Dabaco, Topfeeds, Kinh Bắc, Khangti Vina, Nasaco và Growfeeds.
Để khép kín với chữ F thực phẩm (Food), Dabaco thu mua gà, lợn từ các trang trại liên kết rồi chế biến thành sản phẩm tươi sống cung ứng cho thị trường. Hiện Công ty có 1 dây chuyền giết mổ gà được nhập khẩu đồng bộ từ Đan Mạch, công suất 2.000 con/giờ và 1 xưởng giết mổ lợn, cung cấp các sản phẩm thịt sạch. Ngoài ra, Dabaco còn có 1 nhà máy chế biến các sản phẩm như xúc xích, dăm bông, đồ hộp, giò, chả...
Không dừng lại ở khâu chế biến, Dabaco còn tìm cách tự cung ứng thực phẩm thị trường. Công ty đang đẩy mạnh phát triển chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng và các cửa hàng tiện ích. Chẳng hạn như Trung tâm Thương mại Dabaco Nguyễn Cao, Dabaco Gia Bình, Dabaco Lý Thái Tổ... Doanh thu từ hệ thống siêu thị của Dabaco đạt trung bình trên 100 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Dabaco có tham gia vào lĩnh vực bất động sản và là chủ đầu tư Khu công nghiệp Quế Võ 3, tổng diện tích trên 600 ha tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Công ty cũng đầu tư xây dựng một số dự án khu đô thị, tổ hợp quy mô lớn như Khu đô thị Đền Đô, Cụm công nghiệp Hương Mạc, Khu đô thị Dabaco Vạn An, Đình Bảng, Phù Khê... Tuy nhiên, Dabaco đã hạn chế đầu tư vào lĩnh vực này do thua lỗ từ năm 2012. Hiện Công ty đang tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia công và chế biến thực phẩm.
Khó khăn trước mắt
Tính cạnh tranh ngày càng cao ở thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ khiến biên lợi nhuận của Dabaco càng bị thu hẹp. Theo Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS), biên lợi nhuận gộp của Dabaco có thể sẽ giảm từ 11,3% (năm 2015) xuống còn 10,3% vào năm 2020 vì cạnh tranh trên thị trường, xu hướng đảo ngược đối với nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi và chi phí khấu hao từ những nhà máy mới thành lập về sau. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn chiếm 70-75% chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp trong nước, nên cũng ảnh hưởng không ít đến biên lợi nhuận của Dabaco.
Ở khía cạnh thị trường, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho biết sau thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng CAGR 16%/năm trong giai đoạn 2005-2010, thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ giảm tốc chỉ còn khoảng 8%/năm trong những năm sau đó.
Dù vậy, ngành thức ăn chăn nuôi vẫn chứng kiến nhiều tay chơi mới trở thành đối thủ của Dabaco. Việt Nam hiện có khoảng 239 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, gồm 59 doanh nghiệp nước ngoài. Và các công ty nước ngoài hiện cũng chiếm đến 70% thị phần thức ăn chăn nuôi cả nước. Vì thế, các doanh nghiệp nội gần như chỉ có thể cạnh tranh với nhau.
Một số gương mặt nội tiêu biểu vừa tham gia vào ngành thức ăn chăn nuôi có thể kể đến là Hòa Phát và Masan. Tại Đại hội Cổ đông năm 2014, Hòa Phát đã công bố dự án đầu tư 300 tỉ đồng thành lập công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, với hy vọng có thị phần sau 10 năm đầu tư. Còn Masan chọn con đường ngắn hơn bằng cách M&A.
Với tham vọng nhanh chóng có thị phần trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Masan đã mua 52% và 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt Pháp (Proconco) và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Hiện tại, Proconco chiếm 8% và Anco chiếm 4% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Dabaco hiện chiếm 3,3% thị phần trong ngành này, dù đã hoạt động từ năm 1997. Rõ ràng, thị trường thức ăn chăn nuôi luôn cạnh tranh rất gay gắt và để có thị phần “khủng” 19,4% như C.P. (Thái Lan), bắt buộc doanh nghiệp phải có chiến lược dài hơi và đầu tư lớn. Với sự tham gia và cạnh tranh liên tục của nhiều tập đoàn lớn, liệu Dabaco có đủ khả năng để trụ vững trước những cơn sóng M&A.
Mai Hân