Dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt 113,7 tỉ USD vào cuối năm nay. Ảnh: Quý Hòa.

 
Vũ Thiện Thứ Ba | 07/12/2021 08:00

Thử sức bền tỉ giá

VND trở thành đồng tiền hiếm hoi ghi nhận tăng giá so với USD.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong 10 tháng năm 2021, VND là 1 trong 2 đơn vị tiền tệ duy nhất tăng giá so với USD, trong khi tỉ giá USD ở các nước cùng khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc... đều ghi nhận mức biến động âm, trong đó đồng baht Thái sụt giảm giá trị tiền tệ tới gần 10%.

Lực đỡ từ ngoại tệ

Tỉ giá được duy trì ổn định đã góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút FDI trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng mạnh, lạm phát trong nước vẫn ở mức khá thấp. CPI bình quân 10 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Điều này củng cố thêm cho sức mạnh của tiền đồng, góp phần ổn định tỉ giá VND/USD. 

Ảnh: Quý Hòa.
Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước đạt 18,1 tỉ USD, tiếp tục tăng so với mức 17,2 tỉ USD năm 2020. Ảnh: Quý Hòa.

Sự mạnh lên của VND xuất phát từ lượng cung ngoại tệ đã đổ về rất nhiều trong suốt năm nay. Trong đó, lượng ngoại tệ từ dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển vào Việt Nam vẫn duy trì mức độ ổn định. Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 17,1 tỉ USD.

Thêm vào đó, cán cân thương mại cũng chính thức chuyển sang trạng thái xuất siêu, so với tình trạng nhập siêu diễn ra trong suốt đầu năm nay. Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại 10 tháng năm 2021 xuất siêu 160 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu thực hiện đạt 269,58 tỉ USD, tăng 17,3%. Góp phần gia tăng lượng ngoại tệ đổ về Việt Nam.

 

Ngoài ra, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ Chứng khoán của HSBC, bất chấp hạn chế của dịch bệnh, các hoạt động chuyển nhượng vốn, mua bán sáp nhập vẫn diễn ra khá sôi động. Một số thương vụ như VPBank chính thức bán 49% cổ phần Công ty tài chính FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Sumitomo Mitsui, thu về 1,4 tỉ USD. Hoặc SK Group Hàn Quốc thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX với giá trị sau 2 đợt lần lượt là 410 triệu USD vào tháng 4 và 340 triệu USD vào tháng 11.

 

Cũng cần nhắc đến những đóng góp từ hoạt động huy động trái phiếu nước ngoài, điển hình như thương vụ Ngân hàng Techcombank phát hành thành công 800 triệu USD trái phiếu quốc tế hay Ngân hàng SHB thông báo kế hoạch niêm yết 300 triệu USD trái phiếu quốc tế tại Singapore.

Tuy vậy, ấn tượng nhất vẫn là đà tăng trưởng liên tục của khu vực kiều hối. Theo báo cáo của World Bank và KNOMAD, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước đạt 18,1 tỉ USD, tiếp tục tăng so với mức 17,2 tỉ USD năm 2020. Với con số này, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình - thấp đứng thứ 8 thế giới về lượng kiều hối đổ về, tăng 3 bậc so với năm ngoái.

Sức ép gia tăng

Hiện tượng ngoại tệ liên tục chảy về nước trong suốt thời gian qua đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước gia tăng sức bền cho dự trữ ngoại hối. Theo báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), giá trị dự trữ ngoại hối đã đạt 105 tỉ USD.

Còn IMF dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt 113,7 tỉ USD vào cuối năm nay. Dự trữ ngoại hối dồi dào giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều không gian để thực thi chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đồng thời nâng cao giá trị của tiền đồng trong bối cảnh các đồng tiền quốc gia khác đang chịu áp lực mất giá.

“Tỉ giá ổn định cộng với chính sách tiền tệ linh hoạt là điểm sáng của Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định.

Tuy vậy, tỉ giá được dự báo có thể sẽ gặp áp lực nhất định trong năm 2022, khi các ngân hàng trung ương lớn đã bắt đầu giảm van tiền trước nguy cơ lạm phát, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang có động thái đẩy nhanh chương trình giảm mua trái phiếu trong tương lai.

Tại Việt Nam, lạm phát tăng là rủi ro cho sự ổn định vĩ mô, kéo theo có thể là rủi ro đầu cơ, găm giữ các tài sản an toàn như ngoại tệ, vàng và trở thành áp lực cho tỉ giá trong những năm tới.

Dưới áp lực đó, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhất, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường. Trong đó, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các biện pháp cũng như công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ.

Về phía doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần chuẩn bị sẵn các phương án phòng vệ rủi ro tỉ giá trong năm sau, nhằm đạt được sự chủ động trong việc luân chuyển dòng tiền khi tỉ giá có thể thay đổi, nhất là trong bối cảnh đại dịch có nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào với sự xuất hiện của biến chủng mới.

Nhìn về tương lai, ông Ngô Đăng Khoa thuộc  Ngân hàng HSBC, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách điều hành tỉ giá như trong thời gian qua, với mục tiêu giảm thêm tỉ giá mua USD. Theo đó, tỉ giá được dự báo sẽ giảm từ 22.750 VND/USD vào cuối quý III xuống còn 22.525 VND/USD vào cuối năm 2021. Nhưng bước sang năm 2022, tỉ giá có thể đảo chiều về mức 23.000 VND/USD, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn FDI chảy vào chậm lại.