Thu phí đổi tiền mới là vi phạm pháp luật
→5 bí quyết tư duy để làm chủ đồng tiền
Những ngày Tết không ít người có thói quen là phải lì xì bằng tiền mới, không thích dùng những tờ tiền cũ dù giá trị không khác gì nhau. Trong khi Ngân hàng Nhà nước cho biết không có tiền mới đổi cho người dân thì ở ngoài thị trường nhiều người lại có thể đổi bao nhiêu cũng được chỉ cần chịu mất phí. Tuy nhiên, việc thu phí đổi tiền mới như vậy là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo Nghị định 96 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường… kịp thời phát hiện và xử lý.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, công an thành lập các đoàn kiểm tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.
Trong thời điểm cận Tết, nhu cầu đi lễ đền chùa tăng, do đó nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ của người dân là rất lớn.
Trên mạng xã hội, việc đổi tiền được rao công khai với chi phí ăn chênh lệch từ 5 - 20% tùy thuộc mệnh giá tiền, cần bao nhiêu cũng có, miễn là đặt trước và giữ uy tín.
Còn ở thị trường bên ngoài, các điểm đổi tiền cũng mọc lên ở nhiều nơi. Thậm chí, trước cửa đền chùa, việc đổi tiền diễn ra khá công khai không kém mạng xã hội. Nguồn cung tiền còn được quảng cáo là dồi dào.
Càng cận Tết, thị trường đổi tiền càng nhộn nhịp. Giá đổi tiền cũng nhảy múa từng ngày. Tiền mệnh giá càng nhỏ, phí đổi càng lớn.