Thứ Hai | 13/10/2014 07:32

Thu phí cao ngất ngưởng, doanh nghiệp sợ lưu ký cổ phiếu

Các DNNN hậu cổ phần hóa đã lên niêm yết, không lưu ký lượng cổ phiếu mà cổ đông nhà nước đang sở hữu, khiến tiềm ẩn những hệ lụy không hay.
Quy định bất hợp lý

Theo quy định hiện hành, phí lưu ký chứng khoán đang được thu với mức 0,4 đồng/cổ phiếu (chứng chỉ quỹ)/tháng. Với mức phí này, tính ra, khoản phí mà các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và trung bình phải nộp hàng năm không đáng kể. Thế nhưng, theo phản ánh của một số ý kiến, với những doanh nghiệp có vốn lớn hàng tỷ USD, thì quy định về thu phí lưu ký chứng khoán đang bộc lộ bất ổn.

Do có số lượng cổ phiếu rất lớn, nên cơ chế thu phí tính theo đầu cổ phiếu như hiện tại, khiến các DN quy mô vốn lớn phải nộp một khoản phí lưu ký chứng khoán hàng năm khá cao. Đây là lý do khiến doanh nghiệp chần chừ, thậm chí không lưu ký cổ phiếu tập trung tại Trung tâm Lưu ký (VSD).

Bất cập này được doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ, do Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Sở GDCK Hà Nội vừa phối hợp tổ chức, với mong muốn Bộ Tài chính sớm có hướng khắc phục.

Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc CTCK Dầu Khí, cho biết, hiện tại, có những doanh nghiệp lớn đang niêm yết được hình thành từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, chưa lưu ký lượng cổ phiếu mà cổ đông nhà nước đang sở hữu, do bất cập của các quy định về phí lưu ký chứng khoán, khiến doanh nghiệp sẽ phải nộp mức phí khá cao.

Điển hình như trường hợp của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), với giá trị vốn hóa khoảng 10 tỷ USD, nhưng hiện tại, GAS chưa lưu ký lượng cổ phiếu mà cổ đông nhà nước đang sở hữu, vì theo tính toán, nếu lưu ký, mỗi năm GAS phải đóng khoảng hơn 10 tỷ đồng phí lưu ký. Đây là khoản phí khá cao, trong khi lợi ích mang lại cho doanh nghiệp chưa tương xứng, bởi cổ đông nhà nước chưa có nhu cầu giao dịch cổ phiếu. Bất cập này không khuyến khích doanh nghiệp lưu ký cổ phiếu như chính mong muốn của nhà quản lý.

"Không chỉ GAS, mà nhiều doanh nghiệp khác hiện cũng chưa lưu ký phần cổ phiếu mà cổ đông nhà nước đang sở hữu. Việc doanh nghiệp không lưu ký toàn bộ cổ phiếu khi niêm yết, mà chỉ lưu ký phần cổ phiếu do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ, dẫn đến khả năng xảy ra các hệ lụy không tích cực như: doanh nghiệp chậm trả cổ tức, thiếu minh bạch về tài chính, không rõ ràng và thuận tiện trong thực hiện quyền của cổ đông…", ông Huy nói, đồng thời nhìn nhận, đây là những yếu tố tác động không tích cực đến tính minh bạch, cũng như hoạt động quản trị của các doanh nghiệp niêm yết.

Để khắc phục bất cập trên, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn điều chỉnh chính sách thu phí lưu ký hiện tại. Theo đó, nên xem xét đưa ra quy định về mức trần phí lưu ký chứng khoán, thay vì thu theo đầu cổ phiếu như hiện tại. Nếu cơ chế thu phí lưu ký chứng khoán sớm được điều chỉnh theo hướng này, thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lưu ký cổ phiếu tập trung tại VSD, thay vì tìm cách… né như hiện tại.

VSD khuyến khích lưu ký
Là đơn vị thu phí lưu ký chứng khoán theo cơ chế do Bộ Tài chính ban hành, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD, cho biết, theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký chứng khoán tại VSD, thì phải đăng ký toàn bộ các thông tin liên quan đến nhà đầu tư, cổ đông đang nắm giữ toàn bộ phần vốn tại doanh nghiệp.

Khi những thông tin này có sự thay đổi thì doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh tại VSD. Nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện các giao dịch chứng khoán sau khi đã tiến hành lưu ký chứng khoán tại VSD thông qua các thành viên mà nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán.

"VSD khuyến khích doanh nghiệp lưu ký chứng khoán để thuận tiện cho thực hiện các giao dịch và thực hiện quyền. Điều này cũng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện tính minh bạch, chuyên nghiệp trong cái nhìn của cổ đông, thị trường. Tuy nhiên, nếu cổ đông nhà nước xét thấy chưa có nhu cầu giao dịch chứng khoán, thì không bắt buộc phải lưu ký lượng chứng khoán mà họ đang sở hữu…", ông Thanh nói.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện