Thứ Năm | 28/02/2013 06:30

Thu phí ATM nội mạng: Ngân hàng dùng để nâng cao chất lượng hay chỉ nhằm bù lỗ?

Thu từ hoạt động dịch vụ năm 2012 của hầu hết ngân hàng bị giảm. Đại diện một ngân hàng cho biết mỗi tháng lỗ 22 triệu đồng từ mảng thẻ ATM.
Thu phí là để bù lỗ

Trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp chủ yếu trả lương qua thẻ, mỗi dịp cận Tết Nguyên đán luôn xảy ra tình trạng khách hàng ở các tỉnh phải xếp hàng dài trước cây ATM để chờ rút tiền, hoặc việc máy ATM hết tiền khi mà nhu cầu tiền mặt để đi mua sắm lớn.

Việc này một phần là do mạng lưới ATM của các ngân hàng phân bố chưa đều. Đơn cử, tại Vietcombank (ngân hàng có thị phần lớn nhất trên thị trường thẻ), theo thông tin về mạng lưới ATM trên website, ngân hàng này hiện có 1.637 máy ATM trên toàn quốc, nhưng trong đó tới 40% tập trung tại Hà Nội và TPHCM, một số tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình còn không có máy ATM nào.

Thiếu đầu tư cho hệ thống ATM cũng xuất phát từ việc chi cho việc lắp đặt quá lớn, trong khi thu không đủ bù lại. Ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch Hiệp hội thẻ, đồng thời là Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, chi phí trung bình cho mỗi lần giao dịch ATM mà ngân hàng phải bỏ ra là khoảng 7.000 - 9.000 đồng. Trong khi đó, hiện nay các ngân hàng chỉ được thu phí ATM ngoại mạng, tối đa 3.300 đồng/lần giao dịch, còn phí ATM nội mạng được miễn phí.

Mạng lưới máy ATM của Vietcombank
Nguồn: Website Vietcombank

Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng dẫn lời Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cho hay, nếu tính tiền đầu tư cho ATM và phần phí đang thu được hiện nay, mỗi tháng ngân hàng sẽ lỗ 22 triệu đồng. Vì vậy, vị này chỉ lo ngân hàng bị giao chỉ tiêu phát hành thẻ.

Tuy ở trong hoàn cảnh "càng làm càng lỗ", nhưng các ngân hàng vẫn phải đẩy mạnh việc đầu tư cho ATM. Theo Hiệp hội thẻ, đến cuối năm 2012, cả nước có gần 15.000 ATM, tăng 2.000 ATM so với cuối năm 2011. Số thẻ ghi nợ nội địa tăng từ 42 triệu thẻ cuối năm 2011 lên gần 51 triệu thẻ năm 2012. Tính ra, cuối năm 2012, bình quân 10.000 người dân sẽ có 1,7 máy ATM phục vụ, tăng so với mức 1,5 máy cuối năm 2011.

Nhận xét về việc này, ông Nguyễn Văn Tuân cho biết, mặc dù không thu được phí để bù lỗ nhưng ngân hàng vẫn phải nâng cao chất lượng để cạnh tranh, vì nếu không làm tốt thì khách hàng sẽ chuyển sang dùng sản phẩm của ngân hàng khác.

Trước tình hình này, để các ngân hàng có thể đầu tư thêm cho hệ thống ATM, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 35 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng (tối đa 1.000 đồng/lần giao dịch trong năm 2013) từ 1/3 tới. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo trang thiết bị để vận hành các máy ATM.

Tuy nhiên, ở lần tăng phí này, đại diện một ngân hàng chia sẻ, mục đích chính là để bù lỗ, còn sau đó mới tính đến việc áp dụng thêm các dịch vụ giá trị gia tăng cho sản phẩm thẻ.

Ngay cả ông Tiên cũng khẳng định, việc thu phí ATM nội mạng chưa đảm bảo chấm dứt hoàn toàn việc người sử dụng thẻ phải xếp hàng dài chờ rút tiền hoặc các cây ATM thường xuyên bị ngừng hoạt động. Bởi chất lượng dịch vụ ATM còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan như điện, viễn thông và áp lực giao dịch rút tiền dồn vào thời điểm trả lương, dịp Lễ, Tết,...

Phát triển POS - giải pháp giảm lỗ và chống nghẽn ATM

Theo báo cáo tài chính của 8 ngân hàng, trong năm 2012, tổng lãi từ hoạt động dịch vụ (phần lớn là từ cung cấp dịch vụ thẻ) đạt 5.621,3 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2011.

Trong đó, có tới 6/8 ngân hàng có lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ giảm, nhẹ nhất là Vietcombank - ngân hàng nội có thị phần thẻ lớn nhất cả nước (giảm 8%) và nặng nhất là Eximbank (giảm 57%). Hai ngân hàng có lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ tăng là VietinBank (tăng 4%) và MB (tăng 14%).

Lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2012

Như vậy, ngoài hoạt hoạt động kinh doanh chính là nhận tiền gửi và cho vay bị giảm sút do lãi suất giảm, hoạt động trọng yếu thứ 2 của các ngân hàng là dịch vụ cũng lâm vào khó khăn.

Qua lần cho phép thu phí này, có thể doanh thu từ phát hành thẻ ATM của các ngân hàng sẽ được cải thiện, song sẽ chưa đủ bù đắp chí phí. Là một trong những ngân hàng sẽ thu phí giao dịch ATM nội mạng từ 1/3 tới, ông Tuân cho biết, ngân hàng sẽ vẫn còn lỗ tối thiểu là 6.000 đồng/giao dịch.

Để có thể giảm tải cho hệ thống ATM, vừa tránh lỗ cho ngân hàng và còn tránh rủi ro "tắc nghẽn" cho hệ thống ATM, Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011 - 2015, trong đó chú trọng phát triển hệ thống điểm chấp nhận thẻ, máy đọc thẻ (POS/EFTPOS/EDC). Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kế hoạch cụ thể để thực hiện đề án này.

Theo ông Bùi Quang Tiên "mục tiêu đến 2015, cả nước đạt 250.000 POS, hiện đã đạt 104.000 POS. Khi phát triển POS thì sẽ giảm tải cho ATM".

Để phát triển các điểm POS này, ông Tiên cũng đưa ra một số đề xuất như đề nghị Bộ Công thương quy định các khu vui chơi, nhà hàng khách sạn phải lắp đặt POS, Bộ Tài chính cũng nên giảm thuế để khuyến khích các đại lý thực hiện thanh toán qua POS.

Theo thống kê của Vụ thanh toán, cuối năm 2012, số lượng cây ATM là 14.269 máy, chỉ bằng 13% số điểm chấp nhận thẻ, máy đọc thẻ (POS/EFTPOS/EDC ). Trong khi đó, giá trị giao dịch qua ATM lại lớn hơn rất nhiều. Riêng trong quý IV/2012, giá trị giao dịch qua thẻ là 234,9 nghìn tỷ đồng, gấp 8,5 lần qua POS/EFTPOS/EDC.

Nguồn Khampha


Sự kiện