Thứ Ba | 26/02/2013 07:33

Thử nghiệm đấu thầu vàng miếng ngay tuần này

Chiều 26/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ ký hợp đồng gia công với SJC, trước khi thử nghiệm đấu thầu bán vàng miếng vào cuối tuần này.
Phiên thử nghiệm dự kiến được tổ chức với sự tham gia của một số ngân hàng và doanh nghiệp, nhằm thực hành các bước cơ bản của quá trình đấu thầu như đăng ký thiết lập giao dịch, cử người đại diện, thời gian mời thầu, báo giá và bỏ thầu…

Riêng khâu thanh toán và giao nhận vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa tiến hành thử, bởi còn liên quan tới các văn bản pháp lý đi kèm.

Theo lộ trình tham gia và can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước, thời gian đầu, cơ quan này sẽ mua bán vàng miếng thông qua đấu thầu, trước khi tính tới chuyện trực tiếp giao dịch với ngân hàng và doanh nghiệp có nhu cầu. Trước 30/6, thời hạn các ngân hàng phải tất toán dư nợ huy động vàng, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu đấu thầu bán để cân đối nguồn cung trên thị trường, qua đó kéo sát giá trong nước về với thế giới.

Liên quan tới các nghiệp vụ đấu thầu vàng miếng, đại diện một doanh nghiệp tham gia cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước ngày 25/2 cho biết, thời hạn thanh toán và giao nhận vàng đang là mối quan tâm lớn nhất của các bên.

Theo dự thảo Thông tư công bố hôm 5/2, trong vòng một ngày làm việc các bên phải hoàn tất thanh toán tiền cho Ngân hàng Nhà nước, và tối đa một ngày sau khi nhận đầy đủ tiền, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao vàng cho các bên, theo lô nguyên niêm phong.

Các ngân hàng và doanh nghiệp cho rằng thời hạn nhận vàng tối đa tới 2 ngày làm việc sau khi kết thúc đấu thầu như vậy là quá dài, có thể gây rủi ro rất lớn cả về giá và nguồn hàng, đặc biệt khi thị trường biến động mạnh. Khi còn được nhập khẩu và kinh doanh tài khoản ở nước ngoài, nếu muốn bán vàng vật chất ra thị trường, doanh nghiệp có thể chốt giá và nhận vàng tài khoản ngay lập tức để cân đối trạng thái.

Chia sẻ quan điểm này, đại diện Công ty Vàng bạc Ngân hàng Nông nghiệp đề xuất thời hạn tối đa từ lúc giao tiền tới khi nhận vàng chỉ nên là 3 tiếng, bởi vàng do chính Ngân hàng Nhà nước sản xuất và đảm bảo, nên không tốn thời gian kiểm định.

Quy định về đặt cọc và hủy thầu cũng khiến các bên giao dịch với Ngân hàng Nhà nước băn khoăn. Theo dự thảo Thông tư cũng như dự thảo quy chế đấu thầu, doanh nghiệp và ngân hàng muốn tham gia phải đặt cọc dựa trên giá chào thầu và khối lượng đăng ký. Nếu thị trường biến động ngoài tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có thể hủy giá chào thầu đã công bố.

Các doanh nghiệp đề xuất tỷ lệ đặt cọc không nên quá 5% và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh hủy thầu mà vẫn có công cụ bảo hiểm nếu thị trường biến động. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước đưa ra giá tham chiếu vào chiều hôm trước, để doanh nghiệp có căn cứ nộp tiền đặt cọc. Một tiếng trước phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố giá đấu chính thức dựa trên diễn biến mới nhất của thị trường.

Các bên tham gia buổi họp ngày 25/2 cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên đơn giản hóa khâu kiểm định khi mua vàng của doanh nghiệp. Loại vàng duy nhất được sử dụng trong đấu thầu là vàng miếng SJC hàm lượng 99,99% loại một lượng. Khi đấu thầu mua vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức kiểm định sau, để đảm bảo không lẫn phải vàng giả, kém chất lượng.

Trao đổi với các doanh nghiệp, Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy cho biết thông tư hướng dẫn cũng như quy chế đấu thầu đang trong quá trình hoàn thiện, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các bên và hiệu chỉnh nếu phù hợp.

"Giá vàng biến động liên tục, vì vậy thời gian giao ngay trong ngày là rất quan trọng. Về lý thuyết, có thể giao vàng trong vòng 3 tiếng sau khi Ngân hàng Nhà nước nhận đủ tiền. Quy định 2 ngày trong dự thảo chỉ nhằm dự phòng những trường hợp bất khả kháng. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ điều này đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm đếm, kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước", ông nói thêm.

Liên quan tới tỷ lệ đặt cọc, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn để ngỏ, nhiều khả năng sẽ ấn định một mức phù hợp với biến động của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, ngân hàng và doanh nghiệp có thể đề xuất tỷ lệ hợp lý với thực tế giao dịch hiện nay.

Theo kế hoạch, chiều 26/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ ký hợp đồng gia công với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), một bước quan trọng giúp sẵn sàng cung ứng vàng miếng cho các phiên đấu thầu bán ra cũng như can thiệp thị trường sau này. Trước mắt, đây sẽ là đơn vị duy nhất được phép gia công vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiếp tục cấp phép tạm xuất tái nhập vàng miếng phi SJC cho các đơn vị khác, sau khi đã cho phép Ngân hàng Đông Á xuất thử nghiệm 100kg trước Tết. Dự kiến có khoảng 9 tấn cần tạm xuất ra nước ngoài để nhập về vàng nguyên liệu, rút ngắn thời gian dập đúc thành vàng miếng SJC cung ứng cho thị trường.

"Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến hàng triệu đồng mỗi lượng như hiện nay rất bất hợp lý với cả người dân muốn mua bán và các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đủ nguồn lực tham gia thị trường, thời gian bắt đầu kéo giá trong nước sát với thế giới chỉ còn tính bằng ngày", ông Huy nói.

Nguồn VnExpress


Sự kiện