zing.vn

 
Hải Vân Thứ Ba | 30/10/2018 09:50

Thu ngân sách năm 2019: Cần rà soát, siết chặt kỷ luật chi

Kỳ vọng mức thu ngân sách mới nhưng cần tính đến ngưỡng so với khu vực và khả năng tích lũy của dân.

Ngày 29.10, Quốc hội đã thảo luận về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Cách đó cách đó không xa về địa lý, ngân sách cũng là nội dung chính được bàn thảo tại Tọa đàm: “Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019”.

Rủi ro dài hạn

Điểm tích cực của dự thảo dự toán ngân sách năm 2019, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích Chính sách, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính, là “được xây dựng một cách cẩn trọng, với các mức dự báo tăng hạn chế hơn so với dự toán năm 2018”.

TS. Cường dẫn chứng số thu liên quan đến đất năm 2019 chỉ tăng 4,7% so với dự thảo năm 2018, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 5 năm gần đây. Cạnh đó, số thu nội địa trong dự thảo này chỉ tăng 1%, trong khi năm 2018 là tăng tới 34%, một mức quá cao.

Dù vậy, Tiến sĩ Cường cũng chỉ rõ, dự thảo dự toán ngân sách năm 2019 vẫn tái diễn hạn chế của những năm trước. Cụ thể, dự thảo mới đưa ra con số về tổng thu ngân sách, chưa cụ thể từng lĩnh vực. Trong khi đó, chi đầu tư vẫn chung chung, dù luật quy định phải chi tiết đến từng lĩnh vực như chi thường xuyên.

Thu ngan sach nam 2019: Can ra soat, siet chat ky luat chi
 

Điều khiến TS. Cường “băn khoăn” hơn cả là từ 3 năm nay, số thu từ thuế, phí và lệ phí giảm xuống trong các dự toán ngân sách, đang lẽ phải tăng lên như mục tiêu đề ra trong chiến lược của ngành Thuế.

Theo tính toán của TS. Cường, số thu từ thuế, phí và lệ phí trong GDP của năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19% nhưng đến năm 2019 chỉ còn 18,7%. Ông nói “thu thuế, phí và lệ phí trong GDP có xu hướng giảm”.

Trên thực tế, thuế, phí và lệ phí là nguồn thu quan trọng nhất trong tổng thu ngân sách nhà nước. Một vấn đề được ông Cường đặt ra: “Nếu giảm thu từ thuế, phí và lệ phí, chúng ta sẽ lấy nguồn nào để bù đắp ?”.

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 24,5% GDP, nhưng thu ngân sách từ thuế, phí chỉ đạt 20,7% GDP.

Thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí giảm xuống, nguyên nhân dẫn đến rủi ro rất lớn cho ngân sách trong dài hạn, theo TS. Cường. Bởi vì, nước ta không có các nguồn thu ổn định, các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, bán tài sản nhà nước… đều không bền vững.

Tạo đột phá

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết, thu ngân sách của Việt Nam không cao. Tổng chi ngân sách, nếu tính theo GDP, chỉ khoảng 23-24%, phần thu từ thuế, phí và lệ phí chỉ quanh mức 18-21%, còn xa mức 23% đề ra trong chiến lược ngành Thuế.

Trong khi đó, tại các nước Bắc Âu, trong đó có Thụy Điển, có tỷ trọng thu ngân sách nhà nước rất cao, lên tới 35-40% GDP. Hầu hết các nước này đều thực hiện chính sách “thu ngân sách cao và chi tiết kiệm”.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt hơn 1,41 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2018. Trong khi đó, dự kiến tổng chi cân đối ngân sách năm 2019 đạt khoảng hơn 1,63 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7,2%. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 222.000 tỉ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP _ Nguồn: Báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu tương đồng về mặt thể chế, nước ta có thể áp dụng kinh nghiệm chi tiêu ngân sách của các nước tiên tiến. Nhưng “điều đó là không thể”, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài Chính, Ngân sách, Uỷ ban Tài Chính, Ngân sách, Văn Phòng Quốc hội, nhận định.

Theo ông Tân, về mặt luật pháp, dự toán ngân sách đề cao kỷ cương, kỷ luật, tính chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Thế nhưng, dù điều kiện chi tiêu ngân sách được quy định rõ trong Luật Ngân sách, tại Điều 12, nhưng ông Tân cũng cho biết: “Ở ngành này, ngành kia vẫn có hướng dẫn chưa rõ ràng trong phần tổ chức thực hiện”.  

Thu ngân sách phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế. Việc đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,9% cho năm 2019 không phải chuyện “một sớm, một chiều”, trong bối cảnh chi ngân sách đang đặt ra nhiều vấn đề.

Ông Phạm Đình Cường, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý công sản của Bộ Tài chính, cho rằng, Quốc hội có thể thảo luận và đưa tăng dự toán thu ngân sách lên một chút so với mức Chính phủ trình, song “cần tính đến ngưỡng so với khu vực và khả năng tích lũy của dân”.

Hiện nay, thu ngân sách của Việt  Nam đạt khoảng 23% GDP, mức trung bình cao so với các quốc gia trong khu vực, dù so với các nước Bắc Âu, Việt Nam còn ở khoảng cách rất xa.  

Dù vậy, trong dự thảo dự toán thu ngân sách năm 2019, ông Phạm Đình Cường nói rằng chỉ nên tập trung chống thất thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để có nguồn thu tốt hơn.

Đặc biệt, ở phần chi ngân sách, ông Phạm Đình Cường khẳng định rõ hai việc phải làm là “rà soát lại các khoản chi và siết chặt kỷ luật chi, để tạo đột phá”. Theo ông, nguồn tài chính dư dôi từ thực hiện chính sách tự chủ tài chính đối với sự nghiệp công, như trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa được chuyển sang đầu tư, bảo trợ xã hội.